Phân biệt giữa doanh nghiệp Start-up và SMEs | 2970

Bạn đang ở đây

Phân biệt giữa doanh nghiệp Start-up và SMEs

03/11/21 Lượt xem: 290

Ở Việt Nam có rất nhiều công ty đã “đánh tráo khái niệm” hoặc không hiểu - tự coi mình là một start-up trong khi bản chất họ là một SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ).

SMEs và Start-up có gì khác nhau?

Đầu tiên, để phân biệt một Start-up đúng nghĩa với một SMEs thì có rất nhiều cách khác nhau như quy mô công ty, quy mô doanh thu, định giá, chiến lược & mô hình kinh doanh,...(Thậm chí là tùy từng ngành sẽ có những cách phân biệt khác nhau)

start-up và smes

Tuy nhiên, bài viết này sẽ đề cập đến yếu tố nổi bật và dễ nhận biết nhất để phân biệt hai loại hình công ty này, đó là mô hình kinh doanh (business models) - Để cho các bạn thấy ngắn gọn và dễ hiểu nhất thì mô hình kinh doanh cách thức mà một tổ chức/doanh nghiệp có thể kiếm được doanh thu và lợi nhuận.

Một mô hình kinh doanh phải trả lời những câu hỏi cực kì cơ bản như: Chúng ta bán cái gì (giá trị gì), cho ai (phân khúc khách hàng)? Thông qua những kênh nào? Với những nguồn lực nào?... Các bạn có thể search thêm “Business model Canvas” để tìm hiểu thêm.

Nôm na là như vậy, còn làm thế nào để phân biệt được SME và Startup hãy phân tích dựa trên 04 khía cạnh: Cách thức kiếm tiền, Rủi ro, Mục đích và Nguồn vốn

1. Cách thức kiếm tiền

Công ty vừa và nhỏ (SME) sẽ sử dụng một mô hình kinh doanh truyền thống đã được kiểm chứng là thành công trong quá khứ. Ví dụ nếu hiện giờ bạn bỏ học hoặc bỏ làm mở quán cafe để kinh doanh, không ai gọi là bạn đang làm “startup” cả vì mô hình kinh doanh quán cafe đã tồn tại từ rất rất lâu rồi, đã có nhiều người theo đuổi và kiếm được lợi nhuận, nên bạn sẽ là một “SME” nếu bạn mở một quán cafe.

Ngược lại, Startup sẽ sử dụng một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, khác biệt, chưa được kiểm chứng là có thành công hay không - có thể hiểu đây là một ý tưởng mới, một mô hình kinh doanh có tính đột phá nhất định. Sự nở rộ của Startup như các bạn có thể thấy là sẽ đi kèm cùng sự phát triển của CNTT - do điều dễ hiểu là nền tảng CNTT giúp các Founder dễ tạo ra ý tưởng đột phá nhờ có thể thử nghiệm ý tưởng kinh doanh ở quy mô lớn (do sự phổ biến của smartphone, internet,..) , nên các công ty startup sẽ mang nhiều yếu tố liên quan tới công nghệ hơn. Một ví dụ kinh điển ở đây chính là Uber, ra đời với mô hình sharing economy (kinh tế chia sẻ) với mục tiêu là kết nối những người lái xe còn dư chỗ trên xe của mình với những người có nhu cầu đi xe trên chung quãng đường mà lái xe đang đi. Đây là mô hình kinh doanh có tính đột phá hơn so với các mô hình kết nối truyền thống vào thời điểm đó.

2. Mức độ rủi ro

Đương nhiên, với một mô hình kinh doanh đã được kiểm chứng và đảm bảo “có thể sinh lời” thì các SME sẽ có ít rủi ro về mặt mô hình, bởi trong quá khứ đã có rất nhiều các “tấm gương” đi trước rồi, mọi thứ gần như đã khá rõ ràng rồi.

Ngược lại, Startup lại có rủi ro khi kinh doanh rất rất cao, vì đơn giản là...trong quá khứ chưa từng ai thử kinh doanh với những mô hình đó, nên không ai biết được rằng một mô hình kinh doanh mới lạ và dựa trên công nghệ liệu có thể thành công trong tương lai được hay không. Ai biết được? Trong quá khứ người ta có smartphone đâu? Ai biết trong tương lai có con virus nào sẽ ghê gớm hơn con Covid không?

3. Mục đích và nguồn vốn

Vì sử dụng những mô hình kinh doanh truyền thống, các SMEs sẽ có thể sống sót khi và chỉ khi họ có thể kiếm được lợi nhuận - và đây cũng là mục đích chính của các SMEs. Qua đợt Covid vừa rồi, các bạn có thể thấy nhiều hàng quán ăn uống phải đóng cửa phá sản, vì doanh thu không đủ để chi trả cho những chi phí như mặt bằng, lãi ngân hàng, tiền lương,... Vì nguồn vốn hạn hẹp của họ thường đến từ 1) vốn tự bỏ ra của chủ doanh nghiệp hoặc góp từ người thân, bạn bè; 2) vốn vay ngân hàng,..

Với SMEs, mục đích là lợi nhuận và là kinh doanh thuần túy. Họ chỉ cần chiếm 1 thị phần nhất định trong ngành và đảm bảo yếu tố ổn định, từ đó tạo ra tăng trưởng và lợi nhuận hàng năm theo mục tiêu đề ra

Còn với Startup, họ chỉ sống sót khi họ tiếp tục tăng trưởng số lượng khách hàng / doanh thu chứ không (chưa) phải kiếm về lợi nhuận. Việc tăng trưởng số lượng khách hàng sẽ chứng minh là mô hình kinh doanh này “có thể thành công trong tương lai”, và nó sẽ là câu chuyện để các Startup sử dụng để thuyết phục các quỹ đầu tư trong các vòng gọi vốn của mình, mang về nguồn tài chính ổn định để tiếp tục...đốt (từ đó tiếp tục tăng trưởng).

Và mục tiêu của startup là “The Winner takes it all”, tức là kẻ thắng sẽ đoạt được tất cả. Startup hướng tới việc tạo ra 1 nhu cầu mới với 1 mô hình kinh doanh mới, liên tục tăng trưởng và đánh chiếm thị phần để rồi khi khách hàng quen với việc sử dụng sản phẩm mới, đối thủ cạnh tranh không thể tiếp tục “đốt tiền” chạy đua thì kẻ cuối cùng còn lại sẽ chiếm toàn bộ thị trường và sẽ bắt đầu chuyển sang giai đoạn sinh lãi.

Toàn bộ câu chuyện trên giải thích khá rõ với các bạn rằng tại sao những Startup như Shopee, Momo lỗ hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm như vậy, nhưng vẫn liên tục gọi được lượng vốn lớn cũng như liên tục “xòe” voucher khuyến mãi, giảm giá để liên tục thu hút khách hàng như vậy.

Tổng kết

Hy vọng là bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ được khái niệm giữa hai loại hình công việc này, nhằm đưa ra lựa chọn tốt hơn nếu chuẩn bị tìm kiếm công việc, hoặc chuẩn bị bỏ vốn kinh doanh riêng nhé.

Nguồn: FB Nam Vũ

Từ khóa: 

Thông tin khác

Bình luận