Nguồn: https://governmentbusiness.co.uk/features/technology-priorities-governme...
Tiến sĩ Alan Warr bàn về việc bùng nổ của công nghệ mới sẽ mang lại lợi ích lớn như thế nào cho những nhà lãnh đạo không chỉ tập trung vào công nghệ.
Một nghịch lý về đại dịch Covid-19 mà bây giờ nhìn lại chúng ta vẫn không khỏi kinh ngạc đó là khi người dân bước vào thời kỳ bị phong tỏa lần đầu tiên, thì điều ngược lại đã xảy ra đối với công nghệ. Các công nghệ từng bị kiểm soát chặt chẽ đã được mở quyền truy cập. Các công nghệ để làm việc tại nhà, để truy cập từ xa vào các hệ thống và thực hiện các dịch vụ trực tuyến bỗng trở nên cần thiết để giữ cho xã hội vận hành đúng hướng. Và những thay đổi mà lẽ ra phải mất hàng tháng hoặc hàng năm, nay chỉ mất vài ngày hoặc vài tuần để thay đổi. Điều này cho thấy nhiều công nghệ trong số đó đã được chứng minh và đã có mặt trong nhiều năm nay. Chúng có khả năng chuyển đổi các tổ chức. Tuy nhiên, phải đến khi xảy ra đại dịch thì tiềm năng đó mới được phát hiện và áp dụng. Thực sự đáng kinh ngạc về cách mà những thay đổi này hiện đã gắn chặt với các công việc, tổ chức và dịch vụ, khiến nhiều tổ chức không thể quay lại cách làm việc trước khi đại dịch bùng nổ. Những lợi ích này thực sự quá lớn!
Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các dịch vụ công
Đại dịch đã làm lộ ra sự thiếu hụt chuyển đổi của hầu hết các tổ chức. Điều này có giá trị sâu sắc vì đó chỉ là một phần của sự thiếu hụt này. Nhiều cơ hội chuyển đổi khác vẫn chưa được công nhận. Hầu hết các nhà lãnh đạo chính phủ đều cảm nhận điều này một cách trực giác. Hầu hết các nhà cung cấp và đơn vị tư vấn cũng như các nhà bình luận công nghệ đều không ngừng ủng hộ tiềm năng này.
Nhưng tôi tin rằng có một vấn đề tồn tại xung quanh cách mà các tổ chức đưa ra quyết định về công nghệ và điều đó giải thích rằng sự thiếu hụt chuyển đổi này là hoàn toàn tự nhiên. Thật vậy, để vượt qua những hạn chế tự nhiên này đòi hỏi khả năng lãnh đạo xuất sắc vì chúng đã ăn sâu vào tâm lý cá nhân và tập thể của chúng ta. Giáo sư Daniel Kahneman, một bậc thầy đưa ra quyết định, đã giành được giải Nobel kinh tế năm 2002 cho nghiên cứu về đề tài “lý thuyết triển vọng” trong lĩnh vực kinh tế học hành vi. Ông đã phát hiện ra rằng những người ra quyết định chịu ảnh hưởng của viễn cảnh thất bại nhiều hơn gấp đôi so với thành công. Quản trị công nghệ thường đòi hỏi các trường hợp kinh doanh phải có các khoản đầu tư chuyển đổi số. Họ tìm hiểu kỹ những ưu điểm và nhược điểm. Nhưng chính những nhược điểm trong các trường hợp kinh doanh và sự ác cảm tự nhiên với mất mát sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến các bên liên quan. Chắc chắn, những chuyển đổi đầy giá trị này sẽ bị trì hoãn cho đến khi sự ác cảm với mất mát này giảm bớt đủ để khiến tiến trình trở nên khả thi.
Do đó, ưu tiên của các nhà lãnh đạo là phải vượt qua sự thiên vị tự nhiên có tổ chức này, tránh xa việc đưa ra quyết định theo hướng sợ mất mát và giải phóng kho chứa các cải tiến hỗ trợ công nghệ này. Chúng tôi đã thấy một số công nghệ đã được áp dụng trong đại dịch và nhiều công nghệ khác vẫn đang sẵn sàng để áp dụng nếu sau này các nhà lãnh đạo có thể tiếp tục can đảm như vậy.
Dự đoán thời điểm và tác động của các công nghệ tương lai
Có thể thấy, các công nghệ tương lai có những lý do chính đáng để tăng sự chú ý của các nhà lãnh đạo đối với chúng tại thời điểm này. Làn sóng công nghệ mới đã và đang tác động định kỳ đến các tổ chức trong thế kỷ trước. Nhưng các nhà nghiên cứu chính sách đổi mới đã nhận ra một điều quan trọng. Tần số của làn sóng công nghệ ngày càng tăng theo cấp số nhân và tốc độ tiếp nhận cũng ngày càng tăng nhanh. Thập kỷ tới sẽ chứng kiến nhiều làn sóng công nghệ mới lan khắp các tổ chức của chúng ta. Nhiều tổ chức tư vấn chiến lược và các nhà nghiên cứu dự đoán rằng khoảng 40% công việc sẽ được tự động hóa, theo đó các cơ hội làm việc mới cũng được tạo ra dựa trên các công nghệ này.
Việc mô tả chi tiết các làn sóng công nghệ mới nằm ngoài phạm vi của bài viết này, nhưng bạn sẽ nhận thấy rằng một loạt các từ viết tắt của công nghệ mới đang nhanh chóng được thêm vào từ điển kinh doanh. Dịch vụ điện toán đám mây, phần mềm dạng dịch vụ (SaaS), phát triển phần mềm ít viết mã (low-code software development), tự động hóa thông minh (IA), học máy (ML), an ninh mạng, thực tế ảo (VR), máy tính đeo được (wearable computing), internet vạn vật (IOT) và di động là một số làn sóng đã đến và hiện đang gây nhiều ảnh hưởng. Trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tế ảo (AR), blockchain, tiền điện tử, 5G, thị giác máy tính và robot là một số làn sóng đang đến và tất cả đều được dự đoán sẽ có những tác động sâu sắc. Và một số công nghệ tuyệt vời như điện toán lượng tử (quantum computing), giao diện trực tiếp từ não bộ đến máy tính, kính thông minh và thế giới ảo (metaverse) vẫn đang trong quá trình thí nghiệm nhưng cũng đang phát triển nhanh chóng, vì vậy chúng ta có thể tự tin dự đoán rằng những làn sóng công nghệ này sẽ còn tiếp tục trong tương lai.
Nhìn chung, đại dịch chắc chắn đã làm chậm đi quá trình đổi mới khi các nhà lãnh đạo chỉ tập trung đúng vào tình trạng khẩn cấp. Nhưng các tổ chức tư vấn chiến lược toàn cầu đã thông báo rằng các nhà lãnh đạo của các tập đoàn toàn cầu đang thoát ra khỏi đại dịch với các kế hoạch chuyển đổi số đầy tham vọng, để khai thác sự phong phú của các công nghệ mới sắp ra mắt. Nếu người dân cũng được hưởng lợi ích từ những công nghệ này khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công thì tham vọng của các nhà lãnh đạo là hoàn toàn phù hợp.
Các làn sóng công nghệ này sẽ có các trường hợp sử dụng và giá trị kinh tế riêng cho từng tổ chức. Chúng cũng kết hợp cho một số trường hợp sử dụng phức tạp. Nhưng mỗi làn sóng đều có khả năng biến đổi và về tổng thể, chúng đều mang tính cách mạng.
Các nhà lãnh đạo cần đảm bảo tổ chức của mình hiểu được những tác động đặc biệt của những làn sóng công nghệ này, để tối ưu thời gian áp dụng và sẵn sàng cho những chuyển đổi số sắp tới. Đối với các nhà lãnh đạo, có lẽ thách thức khó khăn nhất là đòi hỏi họ phải có sự khiêm tốn để chấp nhận rằng mình không có câu trả lời và thay vào đó là tạo điều kiện cho một quy trình phức tạp không chỉ thu hút các chuyên gia CNTT (IT professionals) mà còn thu hút tất cả mọi người từ tất cả các bộ phận trong tổ chức. Nghiên cứu của riêng tôi cho thấy có rất nhiều cách khác nhau để thực hiện điều này. Nhưng có khoảng 20% các tổ chức áp dụng các phương pháp tiếp cận phức tạp này đã đạt được mức độ thành công cao nhất từ chuyển đổi số.
Thừa nhận khoảng cách về kỹ năng số
Theo truyền thống, chúng ta thường xem con người là thành phần linh hoạt trong các tổ chức. Và theo truyền thống, công nghệ được cho là khó thay đổi hơn. Thế nhưng, đại dịch đã cho thấy một điều đặc biệt đang xảy ra. Ngành công nghệ thông tin (IT) đã và đang chuyển các công nghệ của mình lên nền tảng cloud được phân phối qua Internet bằng các giao diện trình duyệt web phổ biến thông qua bất kỳ thiết bị nào. Điều này cho phép công nghệ được triển khai, thay đổi cũng như tăng hoặc giảm quy mô dễ dàng hơn nhiều. Làn sóng đầu tiên của đại dịch buộc mọi người phải làm việc tại nhà và chuyển sang sử dụng phương tiện truyền thông trực tuyến để giải trí buổi tối, trong khi đó thì các công ty viễn thông đã tăng dung lượng của Internet một cách đáng kể. Các công ty công nghệ cũng nhanh chóng mở rộng quy mô dịch vụ của họ. Teams - một nền tảng cuộc họp video của Microsoft, đã tăng quy mô hơn 4.000% chỉ trong vài tuần. Các ứng dụng khác như nền tảng học tập trực tuyến hoặc nền tảng tư vấn từ xa trong lĩnh vực y tế cũng được mở rộng quy mô tương tự. Nhìn lại thì đây là một thành tựu kỹ thuật ấn tượng.
Tuy nhiên, con người thì lại có một số khoảng cách quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Các cụm từ kinh doanh mới như "bạn vẫn đang tắt tiếng", "mọi người có thấy màn hình hiện tại của tôi không" và "bạn đã chia tay", tất cả đều làm cho các cuộc họp trực tuyến mới náo nhiệt hơn khi chúng ta phát triển các kỹ năng cơ bản để làm việc từ xa. Những người không có các kỹ năng số cần thiết sẽ phải gặp nhiều khó khăn. Và nghiên cứu gần đây của Microsoft trên 60.000 công nhân của họ đã phát hiện ra rằng trong khi năng suất của nhân viên tăng lên khi họ làm việc từ xa, thì tính sáng tạo và đổi mới là những lĩnh vực quan trọng bị ảnh hưởng. Và hiện chúng ta vẫn chưa biết được những kỹ năng nào giúp tổ chức nhân viên từ xa để đạt được sự đổi mới bằng cách sử dụng các nền tảng cộng tác trực tuyến.
Vấn đề kỹ năng số nên được các nhà lãnh đạo chính phủ ưu tiên hơn trong các chương trình nghị sự. Có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi nghiên cứu của riêng tôi đã phát hiện ra rằng khả năng sử dụng công nghệ của một tổ chức là yếu tố quyết định chính đến sự thành công của tổ chức trong quá trình chuyển đổi số. Hiện tại, các kỹ năng số của cả nhân viên cung cấp dịch vụ và công dân sử dụng chúng cần được phát triển trước những thay đổi mang tính cách mạng đối với công việc và dịch vụ sắp tới. Bắt đầu bằng việc đo lường khoảng cách kỹ năng số và sau đó là đưa ra các chương trình để xóa bỏ khoảng cách đó. Là một thành viên trong một xã hội và trong tổ chức, tôi nghĩ rằng chúng ta đang cực kỳ xem nhẹ khoảng cách kỹ năng số và những nỗ lực cần thiết để thu hẹp khoảng cách đó. Một tìm kiếm của Google cho thấy có vô số chương trình đào tạo kỹ năng kỹ thuật nhưng lại rất ít trong số đó cho phép mọi người tự áp dụng công nghệ vào công việc và dịch vụ chuyên môn của họ. Việc tổ chức đào tạo cục bộ đó sẽ thuộc về trách nhiệm của từng tổ chức.
Lãnh đạo kết hợp (hybrid leadership) sẽ là chìa khóa quan trọng
Vào những năm 1980, ở thời kỳ đầu của quá trình chuyển đổi số, nghiên cứu của Giáo sư Michael Earl tại Đại học Oxford do Hiệp hội Máy tính Anh quốc (BCS) tài trợ đã chỉ ra rằng những người có kỹ năng kết hợp (hybrid skills) trong cả kinh doanh và CNTT là chìa khóa để chuyển đổi số hiệu quả. Khám phá này đã luôn đúng đối với tất cả các làn sóng công nghệ và sẽ đúng với những thay đổi mang tính cách mạng hiện đang được tiến hành. Giờ đây, công nghệ đã trở nên quan trọng đến mức không thể chỉ có các kỹ sư công nghệ mới biết đến. Kinh doanh và công nghệ đang hội tụ. Hầu hết tất cả các tổ chức hiện nay đều kỹ thuật số toàn bộ hoặc một phần. Để nhận ra tiềm năng chuyển đổi kỹ thuật số, các nhà lãnh đạo chính phủ sẽ cần đến sự lãnh đạo kết hợp (hybrid leadership).
Các nhà lãnh đạo chọn làm việc trong các dịch vụ của chính phủ vì họ muốn tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của người dân. Sự phong phú của các công nghệ mới này mang đến một cơ hội tuyệt vời để thực hiện khát vọng đó. Việc dẫn đầu chuyển đổi số chắc chắn không dễ dàng, nhưng nghiên cứu của tôi cho thấy rằng những tổ chức thành công nhất vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Ưu tiên của các nhà lãnh đạo chính phủ là phải thúc đẩy và trở thành những nhà lãnh đạo kết hợp (hybrid leaders) tốt nhất có thể và khuyến khích những người khác bằng chính tấm gương và giá trị của họ.
Tiến sĩ Alan Warr là một chuyên gia về chuyển đổi số và là cựu chủ tịch của Nhóm Chuyên gia Tư vấn tại BCS, Học viện Công nghệ Chartered. Các ý kiến trong bài viết này là của ông.
Nguồn: https://governmentbusiness.co.uk/features/technology-priorities-governme...