Scrum là gì? Có nên ứng dụng Scrum?

Bạn đang ở đây

Scrum là gì?

07/06/17 Lượt xem: 128

Bạn có biết phương pháp quản lí dự án Scrum là gì không? Bạn đang phân vân liệu là bạn có nên thử ứng dụng Scrum trong dự án tới?

Nếu bạn cũng đang trăn trở với câu hỏi này, hãy yên tâm, bạn không phải là người duy nhất. Dường như tất cả mọi người trong cộng đồng phát triển phần mềm đều đang lan truyền phương pháp Scrum. Trong bài viết này, Saga sẽ trình bày những nguyên tắc cơ bản và giúp bạn loại bỏ những điều khó hiểu xung quanh Scrum, so sánh Scrum với những phương pháp quản lý dự án khác đang hiện hành và đưa ra một số mẹo nhỏ dành cho những ai đang có ý định sử dụng Scrum lần đầu tiên.

Trong quản lý dự án, Scrum không phải là một phương pháp quá mới mẻ. Giống như quy trình phát triển phần mềm Rational Unified Process - RUP (tạm dịch: quy trình hợp nhất), Scrum ra đời theo xu hướng phát triển của phương pháp lập trình hướng tới đối tượng (object-oriented programming) trong những năm 1980. Ngày nay, Scrum là một trong những phương thức phát triển phần mềm linh hoạt (Agile Software Development) được sử dụng phổ biến nhất.

Trong một số bài viết về Scrum, chúng tôi phát hiện ra rằng có nhiều công ty nổi tiếng được trích dẫn như điển hình thành công trong việc áp dụng Scrum bao gồm Google, Yahoo!, Accenture, Nokia, Sabre, Lockheed Martin, Salesforce.com và cả BBC. Một số công ty đã có bước ngoặt lớn khi dùng Scrum để hoạch định và chuyển giao trong toàn bộ doanh nghiệp, từ công tác marketing đến quản lý cơ sở vật chất.

scrum là gì?

Scrum là gì? 

Thuật ngữ này xuất phát từ môn rugby, trong môn này, một "scrum" được sử dụng để khởi động lại trận đấu sau khi một sự kiện nào đó làm gián đoạn cuộc chơi. Mỗi đội chơi sẽ tạo thành một bức tường người gồm ba lớp cầu thủ, đẩy đội khác để cướp bóng về phía đội mình. Để làm được điều này, mỗi đội cần có tinh thần đông đội và sức mạnh rất cao. Sử dụng nguyên tắc tương tự vào lĩnh vực phát triển phần mềm, phương pháp quản lý dự án Scrum được dựa trên nhiều nhóm nhỏ làm việc một cách chuyên sâu và phụ thuộc lẫn nhau để cùng tạo nên một hệ phần mềm.

Quy trình Scrum được cấu thành theo chu kỳ công việc gọi là các Sprints. Một Sprint thường kéo dài từ 2 đến 4 tuần, và tương tự như một sự lặp lại trong Quy trình hợp nhất (RUP). Ở điểm bắt đầu của mỗi Sprint, các đội sẽ chọn một tính năng sản phẩm từ danh sách yêu cầu của khách hàng (đã được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên) hay còn được gọi là Câu chuyện người dùng (User story). Do vậy, các tính năng được phát triển trước sẽ là những tính năng quan trọng nhất với khách hàng. Vào điểm kết mỗi sprint, người ta sẽ tạo ra một sản phẩm gần như hoàn chỉnh và bàn giao được cho khách hàng.

Một nhóm Scrum thường có từ 5 đến 9 người, bao gồm Product Owner (chủ sản phẩm), ScrumMaster (trưởng nhóm Scrum), và đội lõi phát triển Scrum. Khi dự án ngày càng lớn, số lượng các đội Scrum cũng sẽ tăng. Những thành phần vô cùng quan trọng trong mô hình Scrum là Roles (vai trò), Ceremonies (các cuộc họp) và Artifacts (công cụ) . Để tập trung mục đích của bài viết này là giới thiệu sơ lược về Scrum, Saga xin được không đề cập chi tiết đến các khái niệm này.

So sánh Scrum và phương pháp quản lí dự án truyền thống

Liệu Scrum có tương thích với phương thức quản lý dự án truyền thống  được xác định bởi PMBOK® (Project Management Body of Knowledge - Kiến thức cốt lõi trong quản lý dự án) của Học viện Quản lý Dự án Hoa Kỳ (PMI) hay không?

Câu trả lời là có, vì Scrum là một quy trình tham chiếu và không thực sự có thể so sánh được với PMBOK® - một hướng dẫn nhằm chuẩn hóa các nghiệp vụ tối tưu của quản lí dự án. Scrum không chỉ tương thích với PMBOK® mà còn có thể trở thành công cụ hữu hiệu bổ sung cho hướng dẫn này .

Trở thành một ScrumMaster cũng giống như việc trở thành một người quản lý dự án, và một người cũng có thể đảm nhận cả hai vị trí này. Giống như bất kỳ nhà quản lý dự án giỏi nào, một ScrumMaster phải có khả năng tạo điều kiện, huấn luyện, hướng dẫn, giả quyết vấn đề, giao tiếp và bảo vệ nhóm của mình.

Có lẽ bạn không nhận ra rằng, khi là một nhà quản lý dự án, bạn cũng đang thực hiện những phương pháp trong Scrum. Các “biểu hiện” của việc bạn đang thực hiện Scrum là:

1. Làm việc với những người có năng suất và chuyên môn cao và chia sẻ sự cam kết chung và tin tưởng lẫn nhau.

2. Đánh giá tiến trình dự án  thường xuyên, tốt nhất là hàng ngày.

3. Thường xuyên xem xét những yêu cầu của khách hàng, đồng thời thường xuyên sắp xếp lại thứ tự ưu tiên công việc nếu cần thiết (tốt nhất là hàng tháng).

4. Xác định những mục tiêu ngắn hạn khả thi với nhóm của mình và nêu lên các kết quả đạt được thường xuyên (mỗi 2-4 tuần).

5. Cho phép những thành viên có kinh nghiệm tự phân công nhiệm vụ cho chính mình bởi họ biết cần làm gì để hoàn thành công việc.

6. Cung cấp đủ thông tin cho các bên liên quan (stakeholders) thông qua giao tiếp rõ ràng và hiệu quả.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp sẽ áp dụng Scrum một cách khác nhau, và do đó, có thể có rất nhiều hướng tiến hành áp dụng Scrum. Một số doanh nghiệp đã áp dụng Scrum có các văn phòng quản lý dự án (PMOs), một số khác lại không có. Khi bạn tìm hiểu thêm về Scrum và tự thử nghiệm nó, bạn sẽ nhận thấy rằng, để sử dụng Scrum triệt để và đúng cách, cả doanh nghiệp có thể phải thay đổi cách tư duy của mình. Một số PMOs có thể phải kiểm tra và sửa đổi các điều lệ để loại bỏ các quy trình Scrum quá cứng nhắc. Trong một số doanh nghiệp, việc thay đổi này cũng tương tự như những chuyển đổi khi họ lần đầu thực hiện các công việc theo dự án.

Làm thế nào để bắt đầu áp dụng Scrum

Bây giờ có lẽ bạn đã hiểu được rằng không phải ai cũng áp dụng được Scrum một cách hiệu quả. Rất nhiều công ty bắt đầu sử dụng Scrum bằng một dự án thử nghiệm và để các phòng ban khác sử dụng các phương pháp truyền thống cho đến khi kết quả dùng Scrum được chứng thực.

Dưới đây là một số bước gợi ý cho những ai đang nghĩ đến việc sử dụng Scrum lần đầu tiên.

1. Hãy tìm kiếm một nhà tài trợ dự án trong doanh nghiệp -  người sẽ hỗ trợ bạn và quá trình áp dụng Scrum. Đây là một việc vô cùng quan trọng.

2. Phân tích liệu Scrum có phù hợp với mô hình hiện tại của bạn hay không, và nếu có thì phù hợp trên những điểm nào.

3. Tìm ra một dự án mà bạn có thể thử nghiệm mà không tác động quá lớn đến hoạt động kinh doanh nhưng vẫn đủ quan trọng đối với doanh nghiệp.

4. Lập nên một nhóm gồm những người cùng chí hướng và cùng muốn áp dụng Scrum.

5. Đào tạo các ScrumMaster, Product Owner, và các thành viên nhóm. Tất cả các thành viên trong nhóm có thể tham dự một khóa học cùng nhau để mọi người đều hiểu được vai trò của mọi thành viên.

6. Thuê một ScrumMaster giàu kinh nghiệm - người sẽ thúc đẩy dự án và cố vấn cho nhóm, đặc biệt là cho ScrumMaster mới.

Lấy chứng chỉ Scrum

Nếu bạn quan tâm đến học chuyên sâu hơn về Scrum, bước đầu tiên là tham gia lấy chứng chỉ ScrumMaster (CSM) hoặc chứng chỉ Scrum Product Owner (CSPO). Không giống như các chứng chỉ khác, CSM hoặc CSPO không chứng minh bạn là chuyên gia về Scrum, nhưng chúng sẽ chứng nhận bạn đã được đào tạo về hai lĩnh vực này. Bước tiếp theo sau khi nhận được chứng chỉ Scrum là lấy chứng chỉ  Hành nghề Scrum - Certified Scrum Practitioner (CSP), trong đó yêu cầu các ứng viên là một CSM hoặc CSPO đang hành nghề và có một năm kinh nghiệm làm việc với Scrum. Tất cả các Chứng chỉ Scrum có giá trị hai năm.

Tương lai của Scrum 

Đến nay người ta vẫn chưa thể dự đoán được sự phát triển của Scrum sẽ đi về đâu. Liệu rằng Scrum có chỉ đơn giản là một phương pháp khác trong lĩnh vực khung tham chiếu Agile vốn đã có quá nhiều phương pháp ví dụ như Phát triển tinh gọn (Lean Development) hay Lập trình cực độ (Extreme Programming - XP)? Hay là nó sẽ đạt được đà phát triển lơn hơn và khiến các doanh nghiệp thay đổi và cải biến theo mô hình Scrum? Tất nhiên, Scrum không phải là cách duy nhất để quản lý dự án, nhưng nó chắc chắn là một mô hình đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng phổ biến hơn các phương pháp phát triển phần mềm khác.

Chắc chắn rằng Scrum không phù hợp với mọi doanh nghiệp. Đã có những thất bại ê trề khi áp dụng Scrum, nhưng phải nói rằng các mô hình khác cũng gặp phải vấn đề tương tự, ví dụ như mô hình Waterfall, RUP, XP, hay bất kỳ mô hình nào hiện giờ đang được dùng trên thế giới. Có lẽ lời khuyên tốt nhất chúng tôi có thể đưa ra là bạn phải linh hoạt khi xem xét nên sử dụng mô hình nào cho doanh nghiệp. Cũng giống như việc bạn không thể mặc quần áo công sở để chơi đá bóng hay đến dự một đám cưới, vì mỗi dự án sẽ khác nhau và cần các khung tham chiếu, quy trình khác nhau tùy thuộc vào yêu cầu tiến độ, độ tin cậy, khả năng sinh lời, hoặc khả năng sử dụng.

Trong thực tế, nhiều nghiên cứu cho thấy thành công của một mô hình quan lí nằm ở khâu thực hiện chứ không phải các nguyên tắc quản lí. Các thành viên trong một nhóm càng thành thục và có kinh nghiệm bao nhiêu thì hướng thực hiện Scrum sẽ càng ít cứng nhắc hơn. Vậy nên, cũng giống như trong môn rugby, nếu bạn đang có dự định dùng Scrum, hãy chắc chắn rằng bạn hiểu rõ Scrum là gì và có một nhóm thật giỏi bên cạnh mình. 

NGUỒN : THEO SAGA.VN

Từ khóa: 

Thông tin khác

Bình luận