Đánh cắp dữ liệu cá nhân của người dùng là một vấn đề nhức ngối khi sự phát triển của công nghệ thông tin và tính kết nối toàn cầu trên Internet không có dấu hiệu dừng lại tại thời đại công nghệ số.
Bài chia sẻ từ anh Nguyễn Nam - Lead Solution Engineer của Saleforces, hy vọng sẽ giúp người đọc có thêm cái nhìn về vấn đề này.
Nội dung bài viết
1. Bảo vệ dữ liệu cá nhân (Data privacy) là gì?
Nói ngắn gọn, bảo vệ dữ liệu cá nhân là quyền bảo vệ những cá nhân khỏi việc bị xâm hại tới thông tin của họ từ các cá nhân, tổ chức khác.
Con người càng phát triển, sự quan trọng của bảo vệ dữ liệu cá nhân càng được xã hội coi trọng. Có thể nói, việc con người học cách bảo vệ dữ liệu cá nhân tạo đã nên sự khác biệt của con người với các loài động vật khác. Thiếu nó, con người vẫn tiếp tục tắm truồng lộ thiên, ăn lông ở lỗ hay sinh hoạt tùy tiện.
Được xã hội tôn trọng quyền riêng tư về sở thích, ý kiến, các mối quan hệ, tình cảm,... là nhu cầu chính đáng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, những thông tin này lại có giá trị rất lớn khiến nhiều cá nhân, tổ chức khác muốn sở hữu và đánh cắp dữ liệu cá nhân đó.
- Bà cô đầu ngõ muốn biết chuyện riêng tư của hàng xóm để buôn chuyện.
- Doanh nghiệp muốn nắm được thông tin, sở thích của khách hàng để quảng cáo sản phẩm trúng đối tượng khách hàng.
- Chính phủ muốn biết mọi thứ của người dân để bảo vệ an ninh quốc gia, nhà cầm quyền hay chính khách.
Thông tin cá nhân của bạn là kho báu với kẻ gian
Ai cũng có lý do có vẻ như chính đáng nhưng ranh giới giữa vừa đủ hay quá giới hạn rất khó xác định.
Đa số người dùng Internet ở Việt Nam cho rằng mình là người tốt, người bình thường, chẳng có bí mật nào đáng kể nên không quan tâm đến sự riêng tư trên Internet. Tuy nhiên, trên thực tế, hậu quả của việc bị đánh cắp dữ liệu cá nhân có thể rất lớn và ảnh hưởng trực tiếp.
Cụ thể, có rất nhiều ứng dụng truy xuất dữ liệu nhạy cảm của bạn nhẹ danh bạ, địa điểm, định danh, lịch sử mua bán, sức khỏe...và chỉ cam kết đảm bảo dữ liệu của bạn bằng một chính sách có thể thay đổi bất kỳ khi nào. Xui xẻo hơn, nếu nhà cung cấp đó bị hacker đánh cắp dữ liệu cá nhân của khách hàng thì dữ liệu đó có thể làm bạn mất bạn bè, mất tiền, thậm chí mất mạng.
Ở các nước phát triển, cụ thể như Châu Âu, Mỹ, Singapore, Úc...luật pháp quy định chặt chẽ về các biện pháp bảo mật thông tin riêng tư của người dùng nên doanh nghiệp phải nâng niu và bảo mật hết sức. Nước ta thì hành lang pháp lý bảo vệ người dùng cuối còn mơ hồ như đi trong đêm 30 nên sự cảnh giác cá nhân còn phải cao hơn nữa nếu muốn bảo vệ mình.
Nếu rảnh rỗi, hãy dành ít thời gian để đọc cuốn sách nhỏ 11 trang của Apple mới ra mắt ngày 28/1/2021 với tựa đề “A day in the life of your data”, tạm dịch “Một ngày bình thường với dữ liệu của bạn”. Cuốn sách xoay quanh câu chuyện hết sức bình thường của một người cha và cô con gái nhỏ sẽ cho bạn thấy phần nào sự nguy hiểm của thế giới Internet.
Nhưng trước hết chính chúng ta - những người sử dụng Internet nên tự học cách để tự bảo vệ quyền riêng tư bản thân.
2. Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ mình
Các thương hiệu công nghệ càng ngày càng chú trọng việc bảo vệ người sử dụng trước nguy cơ bị đánh cắp dữ liệu cá nhân. Có thể ví dụ về sự ảnh hưởng iOS 14 đến Facebook. iOS 14 liên tục đưa ra cảnh báo người dùng về việc dữ liệu cá nhân của họ đang bị giám sát, theo dõi, dẫn đến người dùng cảnh giác hơn và hạn chế sự theo dõi đó. Việc này khiến cho Facebook gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin hành vi, tính chất của người dùng nên tập người dùng bị thu hẹp, tác động lên hiệu quả và doanh thu quảng cáo.
Hãy tự bảo vệ bản thân
Không chỉ có Facebook, trong tương lai các thương hiệu khác cũng phải dần thay đổi khi kiến thức của người sử dụng Internet ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên người dùng Internet nên tự học cách để tự bảo mật dữ liệu cá nhân của mình, bạn đọc có thể tham khảo bài viết từ Newyork times để biết được các thủ thuật khác về việc bảo mật dữ liệu trên internet ở đường link phía dưới:
https://www.nytimes.com/guides/privacy-project/how-to-protect-your-digital-privacy