IvyPrep Education và giải pháp vượt khủng hoảng Cô Vy

Bạn đang ở đây

[Casestudy]- IvyPrep Education và giải pháp vượt khủng hoảng Cô Vy

14/04/20 Lượt xem: 44

Trước cơn bão đại dịch Covid19, các ngành nghề kinh doanh dạng chuỗi cửa hàng, chi phí thuê mặt bằng lớn thì sẽ "khủng hoảng" về tài chính rất nhiều. Chỉ trong 2 tháng IvyPrep Education đã thiệt hại 6 tỷ đồng, và dưới đây là cách mà họ đã thực hiện để vượt qua bão này.

Đàm phán trì hoãn ngay lập tức việc trả tiền thuê nhà.

Những ông bà chủ nào không đồng ý thì mình cũng không cho thanh toán tiền mà kiên quyết thương lượng. Đây có lẽ là quyết định sáng suốt nhất của ban lãnh đạo IvyPrep từ đầu năm đến giờ.

Những chủ nhà nào không đồng ý giảm tiền nhà và miễn luôn đợt này thì bên mình quyết tâm đóng cửa ngay lập tức. Đằng nào thì trung bình mỗi tháng cũng phải đốt ít nhất 300-400tr/trung tâm. Chả có lý do gì mà trì hoãn nữa.

Một số cộng sự của mình còn tiếc trung tâm, tiếc tiền đầu tư. Mình bảo: “thà là bỏ đi hết, ta làm lại từ đầu”. Không thương vay khóc mướn gì nữa. Dẹp là dẹp. Không ai sống nổi 6 tháng không doanh thu đâu. Giờ mà không đàm phán được thì hết dịch cũng không đàm phán được. Lúc này là lúc khó khăn nhất của mình mà họ không hỗ trợ thì đừng trông mong gì sau này. Nên dẹp khẩn trương. Thế là đóng luôn 4 trung tâm, ở Hà Nội và Sài Gòn.

IvyPrep vượt qua khủng hoảng Covid

IvyPrep cắt toàn bộ bộ phận không hiệu quả

Telesales, marketing trung tâm, back office, các khoản đầu tư không thấy hiệu quả, và tối ưu hoá nhân sự bằng cách cho kiêm nhiệm ngay lập tức. Mỗi người phụ trách thêm một vị trí. Làm thế vừa giữ được nhân viên giỏi, vừa giữ được thu nhập của mọi người không tụt thấp quá. Nguyên tắc của bọn mình là nếu ai dưới thu nhập 10tr/tháng thì cố gắng hết sức trả đầy đủ, vì không ai sống nổi nếu thu nhập thấp quá.

Giữ và tạo mọi điều kiện cho học sinh học được, bằng mọi giá.

Luôn hỏi thăm học sinh, khách hàng thế nào. Tuỳ cơ ứng biến. Khách hàng ở lại với mình lúc khó khăn là người mình phải trân trọng nhất. Bọn mình rất biết ơn khách hàng của mình. Hai sếp lãnh đạo ở HN và SG luôn nghĩ những gì có thể đưa thêm cho khách hàng, học khoá này thì thêm khoá kia.

Chuyển mô hình tối ưu sử dụng cơ sở vật chất

Sáng và chiều sử dụng làm cơ sở của Broward College - đại học Mỹ, Cao Đẳng Việt Mỹ, hay cao đẳng BTEC của UK; tối sử dụng dạy IvyPrep. Chắc hiện giờ IvyPrep là mô hình duy nhất tận dụng được cơ sở vật chất cả ngày nên chi phí mặt bằng đỡ được một phần. Không thì ốm đòn. May là bên mình có hệ sinh thái tốt nên sử dụng được mô hình này. Trong tương lai cứ IvyPrep đi đến đâu thì Broward College và BTEC UK đi đến đấy. Sướng khổ có nhau! 

Chuyển tất cả học sinh sang học chương trình Phổ thông Mỹ K12

Hồi trước mọi người còn ngần ngại vì sợ phụ huynh không đồng ý, sợ tốn kém. Sợ không học nổi, nói chung là sợ đủ thứ. Lần này ban lãnh đạo quyết chuyển đổi triệt để càng sớm càng tốt vì học Phổ thông Mỹ có lợi cho học sinh hơn rất nhiều và chấp nhận bù lỗ và làm marketing tưng bừng giai đoạn đầu để “giáo dục - educate” thị trường. Nên ban điều hành quyết định đưa mức học phí sốc luôn để phụ huynh nào đã biết về học home-based phổ thông Mỹ thì không ngần ngại gì nữa.

Chuyển ngay sang học trực tuyến và tối ưu hoá các lớp học

Đội Academic nhà mình cực kỳ hiệu quả. Team nhà có sẵn LMS và nội dung số rồi nên chuyển đổi rất nhanh. Các bạn quản lý và trợ giảng luôn sát sàn sạt để bảo đảm là học sinh học nổi và học hiệu quả. Một ngày chắc mình nhận được 5-10 cuộc gọi nhắc ông con nhà mình học đúng giờ, làm bài đúng giờ, v.v. Cái này mình bảo đảm không trung tâm nào làm hơn. Chắc mình phát điên lên ấy nhưng sau cực kỳ trân trọng vì mình biết ông con nhà mình cũng lười như bố (và con nhà khác cũng thế, ko giục thì ko làm).

Và kết quả là bọn mình sống sót. Tiền đã bắt đầu cân bằng đủ trả lương cho các bạn còn lại. Chỉ phải bù lỗ một phần tiền nhà và tiền phát triển thị trường. Các trung tâm của mình hiện giờ chỉ còn 1 chủ trung tâm đang “củ chuối” chưa cho giảm hết. Mấy ngàn học sinh của mình sắp học xong khoá đầu chuẩn bị cho K12.

Và quan trọng nhất là “người ra đi đầu không ngoảnh lại”, bọn mình đã đoạn tuyệt với mô hình ESL tốn kém, phụ thuộc vào tình thương của chủ nhà.

Chia sẻ Toan Nguyen - Quản trị & Khởi nghiệp

Thông tin khác

Bình luận