Khi đánh giá sự tiềm năng của một startup hay sản phẩm giai đoạn đầu, các nhà đầu tư thường không có quá nhiều thông tin. Làm đầu tư thì thường biết rằng ý tưởng và sản phẩm của startup chắc chắn sẽ phải thay đổi liên tục cho đến khi đạt được điểm hòa hợp giữa sản phẩm và thị trường. Có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng cách đầu tư vào các startup ở giai đoạn khá sớm, pre-seed. Ở giai đoạn này, có lẽ startup mới chỉ có vài khách hàng đầu tiên và chưa có traction gì đáng kể. Thế nên founder trở thành tiêu chí đánh giá hàng đầu.
Vậy, tiêu chí đánh giá thế nào về một founder có tố chất của thành công?
THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG
Ai làm startup đều biết, đây là một trong nhưng con đường đi gian nan, chông gai, và tràn đầy rủi ro. 10 startup thì chết 9. Quá trình trải nghiệm với các startup cho thấy, có những lúc nhà đầu tư hay mentor thấy rõ là có những sai lầm, nhưng chỉ khi thực sự trải nghiệm, kiểu đâm vào tường vỡ đầu mẻ trán rồi thì founder mới thấm. Ngay đến anh em startup đã 4,5 năm rồi, nhìn lại hành trình đã qua đều ngao ngán. Các bác toàn ước gì mình được làm lại, chắc chắn sẽ không burn tiền sai hướng như hồi đó nữa. Thế nên, chưa nói đến tích lũy vốn liếng hay hiểu biết gì, chỉ cần đơn giản việc đã đứng lên, đã vấp ngã thôi đã là tài sản rất quý của 1 founder.
MỘT FOUNDER HAY NHIỀU FOUNDER
Theo thống kê, thì chỉ có khoảng 16% các công ty thành công với 1 founder. Điều này nghĩa là các team có nhiều hơn 1 người sáng lập có tỷ lệ thành công cao hơn. Nói ra có thể hơi sến, nhưng trong startup thì đúng là “Muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa đi cùng nhau”. Chặng đường gian nan vất vả, có anh em này nọ gánh vác cùng nhau thường cũng sẽ dễ vượt qua hơn. Tuy vậy, việc có quá nhiều thành viên sáng lập cũng dễ dàng tạo ra tranh chấp và làm chậm quá trình ra quyết định của nhóm. Vì thế con số lý tưởng mà chúng tôi tìm kiếm là đội ngũ có 2-3 founder. Nói như vậy không có nghĩa là 1 founder thì không thể thành công. Chúng tôi vẫn đánh giá cao các startup chỉ có 1 founder, đặc biệt nếu founder này có kinh nghiệm quản lý tốt, có thu nhập cao trong quá khứ hoặc đã từng chứng minh bản thân trong các dự án/công ty trước đó.
ĐÃ TÍCH LŨY ĐỦ 3 LOẠI VỐN CHƯA
Để khởi nghiệp hay bắt đầu một công ty, bạn cần 3 loại vốn: Vốn con người, vốn xã hội, vốn tài chính.
- HUMAN CAPITAL: Vốn này còn gọi là vốn kiến thức hay vốn năng lực. Khi bên mình đánh giá năng lực của founder, thường sẽ đánh giá cao các startup có founder hiểu rõ về ngành của mình. Bên cạnh đó, kỹ năng quản trị, kỹ năng phát triển sản phẩm hay năng lực sale cũng là các yếu tố quan trọng (thường thì không founder nào sở hữu hết các kỹ năng này).
- SOCIAL CAPITAL: Vốn này còn gọi là vốn quan hệ. Khách hàng đầu tiên, đồng nghiệp đầu tiên, nhà đầu tư đầu tiên của startup thường đều là người thân, bạn bè. Đây cũng là lý do mà các startup không nên đơn thuần nhận đầu tư của các investor không có gì ngoài tiền. Các Accelerator thường sẽ có mạng lưới rất nhiều mentor và alumni (rất hữu dụng trong giai đoạn early).
- FINANCIAL CAPITAL: Hiển nhiên là startup rất cần tiền. Các startup có khả năng survive mà không phụ thuộc vào vốn bên ngoài trong vòng ít nhất 6 tháng đến 1 năm là điều rất quan trọng. Founder có thu nhập tốt trước khi khởi nghiệp, có nhà cửa để làm văn phòng, hoặc team có 1 số dòng tiền sớm sẽ rất quan trọng. Tiền quá nhiều không tốt, nhưng không có tiền thì nửa bước cũng khó đi.
Kết bài
Để khởi nghiệp thành công cần rất nhiều sự tích lũy (và cả may mắn nữa). Tuy vậy, trước khi khởi nghiệp lần đầu, bạn nên cân nhắc các yếu tố trên và cố gắng giảm thiểu rủi ro của bản thân. Bạn có thể cân nhắc đi làm và tích lũy 1 số vốn nhất định, có một nguồn thu nhập thụ động, mở rộng mạng lưới quan hệ, tích lũy hiểu biết, tìm kiếm co-founder, gia nhâp 1 incubator… Như vậy, tỷ lệ được tuyển chọn vào các accelerator hay gọi vốn của bạn cũng sẽ cao hơn (thành công exit thì còn tùy vào nhiều yếu tố khác nữa nhé).
Nguồn: Hoàng Đức Minh / Launch