Consumer Insight là dòng máu của cả quy trình Marketing. Tuy nhiên, do tâm lý và hành vi người tiêu dùng luôn biến đối từng ngày, khám phá Consumer Insight yêu cầu Marketer có một nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc và một “năng lực cảm thụ” mạnh mẽ, điều mà ngay cả những Marketer lão làng cũng chưa dám vỗ ngực tự tin. Vì vậy, các Marketer trẻ trước khi bước vào thế giới Consumer Insight cần nắm vững 3 điều cơ bản sau đây.
Nội dung bài viết
CONSUMER INSIGHT - HIỂU THẾ NÀO MỚI ĐÚNG?
Consumer Insight là những suy nghĩ, mong muốn ẩn sâu bên trong người tiêu dùng. Những suy nghĩ, mong muốn này nếu được khai thác đúng sẽ giúp thương hiệu có được ảnh hưởng rất lớn tới hành vi của người tiêu dùng.
Như vậy, Insight giống như một “chỗ ngứa” trên cơ thể, nhiệm vụ của thương hiệu là tìm ra và giải quyết nó để khách hàng cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, đây là một điều không hề dễ dàng. Trên thực tế, rất nhiều Marketer nhầm lẫn Insight với những thứ bề nổi như information (thông tin) hay observation (sự quan sát).
Lấy ví dụ về dầu gội Clear. Observation: Mọi người đều sợ tóc mình dính gàu. Insight: “Là đàn ông, một mái tóc không sạch gàu làm tôi cảm thấy mất phong độ và sự tự tin”. Bạn đã thấy sự khác khác biệt chưa? Hãy luôn nhớ, Insight không phải những sự thật hiển nhiên hay những điều dễ dàng quan sát thấy. Đó cũng là lí do vì sao để tìm được một Insight, Marketer cần phải bỏ ra rất nhiều công sức.
5 TIÊU CHÍ CỐT LÕI CỦA MỘT INSIGHT
Dưới là 5 tiêu chí thiết yếu cần có của một Insight - hãy dùng nó để kiểm tra chất lượng Insight mà mình nghĩ ra nhé.
#1. Short, Simple & Straightforward: Ngay cả khi nói về một vấn đề phức tạp, Insight vẫn cần phải ngắn gọn và dễ hiểu. Chỉ như thế, thương hiệu mới có thể truyền tải thông điệp một cách hiệu quả.
#2. Relevant: Đó phải là vấn đề người tiêu dùng thật sự quan tâm, đồng thời cần liên quan mật thiết đến ngành hàng nói chung và công ty nói riêng
#3. Fresh: Mang đến một góc nhìn thật sự mới mẻ.
#4. Distinctive: Insight luôn cần có sự khác biệt- bạn không thể sử dụng một Insight mà thương hiệu khác đã khai thác.
#5. Actionable: Một Insight chỉ có ý nghĩa khi nó có thể áp dụng và giúp thương hiệu giải quyết bài toán kinh doanh.
KHÁM PHÁ INSIGHT NHƯ THẾ NÀO?
Tìm ra được một Insight là rất khó, tuy nhiên sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu bạn đi theo chỉ dẫn sau:
Bước 1. Collect
Trước hết, hãy thu gom lại những thông tin bạn đã có, sau đó phân loại và viết chúng ra những mẩu giấy khác nhau. Một lưu ý nhỏ: đừng bỏ đi bất cứ chi tiết nào, bởi một chi tiết rất bình thường cũng có thể hé lộ những sự thật sâu sắc.
Bước 2. Connect & Dig Deeper
Với nguồn dữ liệu trên, hãy tập trung để tìm ra những mối liên hệ. Tiếp theo, hãy kết nối những thông tin liên quan tới nhau bằng cách xếp những mẩu giấy tương ứng cạnh nhau. Sau đó, với mỗi “cụm” thông tin lớn, hãy tiếp tục “đào sâu” hơn nữa. Bằng cách liên tục đặt câu hỏi “Vì sao”, bạn sẽ dần dần chạm tới được “phần chìm” của vấn đề.
Bước 3. Crafting
Bước cuối cùng trong hành trình tìm Insight. Công việc của bạn bây giờ sẽ là lựa chọn những dữ liệu quan trọng, sắp xếp chúng và diễn đạt lại thành một câu hoàn chỉnh. Việc này đòi hỏi một chút cảm hứng, vậy nên hãy giữ cho mình một tâm trạng phù hợp nhé!
Theo Tomorrowmarketers