Lượng tương tác trên rất nhiều trang trên Facebook đã giảm mạnh bởi thay đổi này. Facebook đã chính thức ra mắt News Feed thứ hai với tên gọi Explore vào đầu tuần trước với chức năng hiển thị bài đăng từ các trang mà người dùng không theo dõi. Trong khi đó, News Feed cũ vẫn sẽ hoạt động như bình thường với bài đăng từ bạn bè cũng như những trang mà người dùng thường xuyên theo dõi.
Explore là news feed mới được ra mắt, hoạt động song song với News Feed cũ của Facebook.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều sở hữu phiên bản Explore giống nhau. Theo Filip Struhárik, biên tập viên kiêm quản trị viên mạng xã hội của Denník N, cho biết Facebook đã gỡ bỏ nhiều bài viết trên các trang ra khỏi News Feed ban đầu và chuyển chúng sang Explore tại 6 quốc gia gồm Slovakia, Sri Lanka, Serbia, Bolivia, Guatemala và Cam-pu-chia.
Điều này đồng nghĩa với việc News Feed giờ đây không còn là sân chơi tự do cho các fanpage nữa mà đã trở thành chiến trường “pay to play” - có tiền mới được đăng bài, buộc họ phải “mở hầu bao” nếu muốn trở lại với News Feed quen thuộc.
Kể từ khi các trang phương tiện truyền thông phát triển trên Facebook thì đây đúng là một thay đổi lớn và bất ngờ. Ziad Ramley, cựu Quản lý mạng xã hội tại AI Jazeera English, nhận định các trang như NowThis và Tasty của BuzzFeed đều đã có những tăng trưởng nhất định nhờ rất nhiều bài viết cùng video viral chia sẻ trên News Feed, thu hút hàng triệu người dùng trên thế giới.
Để làm được điều này, trước đây các công ty chỉ cần thuê một số nhân viên quản lý truyền thông xã hội và để họ sáng tạo cũng như chia sẻ những nội dung “hot” mà không cần trả thêm một khoản phí nào cả.
Nhưng giờ đây điều đó có thể bị thay đổi hoàn toàn. Tham vọng thu về được nhiều lợi nhuận hơn từ quảng cáo của Facebook sẽ là cơn ác mộng thực sự đối với đội ngũ admin và công ty quản lý các trang mạng xã hội.
Rất nhiều trang mạng xã hội đã phát triển nhờ sáng tạo nội dung trên Facebook.
Hiện tại, Facebook mới chỉ áp dụng thay đổi này cho 6 thị trường nêu trên với mục đích thử nghiệm. Phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Mỗi người đều có sở thích khác nhau, vì thế, chúng tôi luôn cố gắng gắn kết họ với những bài đăng mà họ cảm thấy hứng thú. Họ cũng bày tỏ nguyện vọng được đọc bài đăng từ gia đình và bạn bè thường xuyên hơn, dễ dàng hơn. Đó là lý do vì sao chúng tôi tiến hành thử nghiệm hai news feed riêng biệt, một dành cho bạn bè trên Facebook của họ, và một dành cho những trang mà họ theo dõi”.
Phát ngôn viên này cũng chia sẻ thêm: “Chúng tôi sẽ thử nghiệm vài thứ về video, bài đăng trên trang để xem liệu người dùng có hài lòng hình thức 2 news feed như vậy không. Trước mắt, ngoài 6 thị trường gồm Sri Lanka, Bolivia, Slovakia, Serbia, Guatemala và Cam-pu-chia thì chúng tôi chưa có kế hoạch triển khai những thử nghiệm này trên quy mô rộng hơn”.
Quyết định thay đổi của Facebook nhằm cải thiện trải nghiệm của người dùng, nhưng lại khiến các chủ fanpage không vui chút nào. Trong vài ngày qua, lượng tương tác trên 60 trang lớn nhất Slovakia đã giảm mạnh bởi chính sách này.
Lượng tương tác trên các trang của Slovakia đã giảm mạnh bởi thay đổi này.
Tất nhiên là những con số chỉ mang tính tham khảo và hoàn toàn có thể cải thiện trong tương lai. Một số người dùng Facebook thậm chí còn không nhận ra sự hiện diện của Explorer hay ít nhất không mảy may để tâm đến news feed thứ hai này.
Nhưng dần dần, họ sẽ hình thành thói quen liên tục thay đổi giữa hai loại news feed đó để có thể cập nhật thông tin về những gì mà họ quan tâm. Snapchat cũng sở hữu tính năng tương tự như vậy: một new feeds gồm Stories (các tài khoản cá nhân) và một new feeds Discover dành cho các nội dung công cộng. Tuy nhiên, Discover của Snapchat được sắp xếp, chọn lọc và trình bày tốt hơn so với số lượng lớn các page trên Facebook.
Với nhiều News feed khác nhau, Facebook có thể tạo ra nhiều nguồn thu hút sự chú ý của người dùng hơn, và tất nhiên mục tiêu cuối cùng của Facebook vẫn là lợi nhuận qua quảng cáo. Điều này đóng vai trò rất quan trọng đối với họ bởi họ luôn cân bằng lượng quảng cáo - phạm vi và quy mô dành riêng cho quảng cáo, trên nền tảng của mình.
Những thay đổi của Facebook cũng chỉ nhằm một mục đích cuối cùng: lợi nhuận quảng cáo.
Facebook đã bắt đầu thay đổi cách hiển thị nội dung chuyên nghiệp của mình. Cụ thể, Facebook Watch là một tab riêng biệt để người dùng có thể xem các đoạn video dài hay các video gốc. Rất nhiều fanpage ưa chuộng tính năng này ngay từ khi ra mắt bởi nó khuyến khích họ tạo ra những nội dung cao cấp hơn thay vì phải dựa vào những thủ thuật “câu like, câu view”.
Tuy nhiên, sự ra mắt lần này của Explore lại khiến họ không khỏi lo sợ. Thuật toán sử dụng cho News Feed vẫn luôn không ổn định và khó lường, và chúng ta chưa biết được liệu Explore có cải thiện được gì nhiều, và quan trọng hơn là có hoạt động một cách công bằng hay không.
Mới đây, Facebook cũng đã đăng tải một thông báo xác nhận lại họ chỉ tiến hành thử nghiệm này tại 6 quốc gia trên và chưa có ý định áp dụng nó trên quy mô rộng hơn.
Theo Genk