Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các bạn Thủ thuật đọc báo cáo tài chính một cách nhanh chóng và chính xác để biết được tình hình hoạt động của doanh nghiệp như thế nào.
Báo cáo tài chính là một công cụ thiết yếu để quản lý tài chính doanh nghiệp. Báo cáo tài chính gồm có 3 loại báo cáo quan trọng nhất khi đọc bạn cần quan tâm đến đó là:
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
- Bảng cân đối kế toán
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Bạn có thể hình dung được bức tranh tài chính toàn cảnh của doanh nghiệp qua những thông số quan trọng nhất sẽ được chỉ ra trong bài thủ thuật đọc báo cáo tài chính dưới đây. Bạn sẽ biết doanh nghiệp đó liệu có thực sự là khỏe mạnh như mình vẫn nghĩ hay không?
Cách đóc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là báo cáo cho biết doanh nghiệp đạt được doanh số bao nhiêu, chi phí bỏ ra như thế nào và lợi nhuận còn lại là bao nhiêu.
Nói chung bản báo cáo này sẽ cho biết doanh nghiệp kinh doanh lãi hay lỗ như thế nào. Bản báo cáo này có thể thực hiện theo hàng quý hay hàng năm.
Khi đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, bạn cần chú ý một số loại tài khoản sau:
* Doanh thu
Tài khoản doanh thu theo dõi tất cả doanh số khi bán được hàng và được chấp nhận thanh toán.
Doanh thu = Giá sản phẩm * Số lượng sản phẩm bán ra.
Tài khoản doanh thu bán hàng (TK 511) chỉ phản ánh doanh thu của khối lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã bán trong kỳ báo cáo, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền. Thông thường các doanh nghiệp tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, Doanh thu đối với các sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng.
Ví dụ: Nếu doanh nghiệp bán được 1.000 bộ quần áo, mỗi bộ trị giá 100.000 đồng chưa thuế giá trị gia tăng, doanh thu sẽ là 100.000.000 đồng.
Việc ghi chép doanh thu một cách thường xuyên và chính xác là đặc biệt quan trọng để biết doanh nghiệp đang đứng ở đâu. Thông thường, để xây dựng một doanh nghiệp thành công, mức tăng trưởng cần phải đạt được là 20%/năm.
* Giá vốn hàng bán
- Giá vốn hàng bán đại diện cho tất cả chi phí trực tiếp tạo ra sản phẩm hay dịch vụ để bán. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì nó cũng được biết đến như chi phí bán hàng. Giá vốn hàng bán bao gồm: Lương nhân viên, vật liệu thô, chi phí nhà cung cấp, chi phí sản xuất, giá bán sỉ hàng hóa…
Ví dụ: Chi phí để sản xuất ra 1 bộ quần áo là 100.000 đồng, bạn bán được 1.000 bộ thì giá vốn hàng bán sẽ là: 100.000.000 đồng.
- Đối với một doanh nghiệp kinh doanh thương mại thì giá vốn hàng bán là tổng chi phí cần thiết để hàng có mặt tai kho (như giá mua từ nhà cung cấp, vận chuyển, bảo hiểm,…).
Ví dụ: Doanh nghiệp A nhập hàng từ nhà cung cấp với giá 10.000.000 đồng, Chi phí vận chuyển là 500.000 đồng thì giá vốn hàng bán là 10.500.000 đồng.
- Để doanh nghiệp mang lại lợi nhuận, bạn phải tìm cách để giảm giá vốn hàng bán nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Ví dụ: Bạn có thể tìm kiếm các nguyên vật liệu rẻ hơn, thuê ngoài dịch vụ, gia công cho các đối tác có chi phí thấp hơn hoặc sử dụng kỹ thuật mới để tăng hiệu quả hoạt động. Rất nhiều doanh nghiệp thất bại do người chủ không quan tâm đến chi phí sản xuất. Dẫn đến tình trạng doanh thu lớn nhưng thực chất doanh nghiệp lại không có lãi.
* Lợi nhuận gộp
Lợi nhuận gộp = Doanh thu – Giá vốn hàng bán
Để theo dõi lợi nhuận gộp doanh nghiệp cao hay thấp, người ta sử dụng tỷ lệ lợi nhuận gộp dưới dạng phần trăm:
Tỷ lệ lợi nhuận gộp = ( Lợi nhuận gộp/Doanh thu) * 100%
Ví dụ: Tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp là 25% có nghĩa là cứ mỗi 100.000 đồng bán được, doanh nghiệp kiếm được là 25.000 đồng
Chỉ số tỷ lệ lợi nhuận gộp cho biết mỗi đồng doanh thu thu về tạo ra được bao nhiêu đồng thu nhập. Tỷ lệ lợi nhuận gộp là một chỉ số rất hữu ích khi tiến hành so sánh các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Doanh nghiệp nào có tỷ lệ lợi nhuận gộp cao hơn chứng tỏ doanh nghiệp đó có lãi hơn và kiểm soát chi phí hiệu quả hơn so với đối thủ cạnh tranh của nó.
Để xây dựng một doanh nghiệp thành công, bạn phải đảm bảo tỷ lệ lợi nhuận gộp cao hơn mặt bằng chung trong ngành của mình.
* Chi phí cố định
Chi phí cố định là những khoản chi phí không thay đổi khi mức sản lượng thay đổi, bao gồm:
- Chi phí bán hàng và tiếp thị
- Tiền lương cố định
- Thuê văn phòng
- Cước viễn thông
- Phí vận chuyển
- Nghiên cứu và phát triển
- Khấu hao tài sản cố định.
Thông thường, các doanh nghiệp đều cố gắng cắt giảm chi phí, từ việc kiểm duyệt từng khoản chi và liên tục nhắc nhở nhân viên tiết kiệm chi phí.
Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ thường gặp lúng túng giữa việc kiểm soát chi phí với cắt giảm chi phí và tạo ra ý thức tiết kiệm ở nhân viên. Dẫn tới doanh nghiệp mất nhiều thời gian giải quyết các chi phí phát sinh ngoài ý muốn. Khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên ngày càng xa.
Để kiểm soát chi phí hiệu quả, doanh nghiệp cần phải lập khoán định mức cho các khoản chi phí theo tiêu chuẩn cụ thể. Trên cơ sở phân tích dữ liệu trước đây và thu thập thông tin chi phí thực tế, doanh nghiệp cần lên ngân sách cho các chi phí cố định của doanh nghiệp và theo dõi các khoản chi phí thường xuyên để đảm bảo không vượt ngân sách
* Lợi nhuận ròng
Lợi nhuận ròng là số tiền doanh nghiệp thật sự kiếm được sau khi đã trừ tất cả chi phí, kể cả thuế. Lợi nhuận ròng là lợi nhuận dùng để tái đầu tư vào kinh doanh và trả cổ tức.
Lợi nhuận ròng = Doanh thu – Giá vốn hàng bán – Chi phí cố định – Thuế
Mục tiêu của doanh nghiệp thành công là đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ít nhất 20%/năm.
Trên đây là những điều cần biết về báo cáo tài chính với những người không chuyên. Bạn có thể tự học cách đọc báo cáo tài chính mà không cần học theo ngành tài chính kế toán. Với thủ thuật đọc báo cáo tài chính chắc bạn đã biết những thông tin quan trọng của báo cáo tài chính rồi phải không? Bạn cần đọc thêm bài: Cách nhận biết báo cáo tài chính có vấn đề để có thêm cách nhìn nhận và đánh giá tổng quát về Báo cáo tài chính.
Theo Bùi Thị Lê Phương - Quản trị & Khởi nghiệp