7 xu hướng thương mại điện tử sẽ "dậy sóng" trong năm 2018 | 1449

Bạn đang ở đây

7 xu hướng thương mại điện tử sẽ "dậy sóng" trong năm 2018

26/01/18 Lượt xem: 216

Từ Blockchain, giao hàng trong ngày đến GDPR, dưới đây là 7 yếu tố sẽ có ảnh hưởng quyết định đến doanh số thương mại điện tử tại Đông Nam Á, nơi mà Amazon và Alibaba đang giành nhau sự ảnh hưởng.

Trong khi Amazon vẫn thống trị thương mại điện tử ở phương Tây, Alibaba đang dần tăng cường sự ảnh hưởng của họ ở châu Á. Gần đây, Alibaba đã bước ra khỏi lãnh địa của mình là Trung Quốc để hướng mũi nhọn đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Amazon cũng đã chen chân vào khu vực này, tạo ra tình thế “long tranh hổ đấu” khó phân thắng bại.

Trước hết hãy xem đâu là những lý do khiến cho Đông Nam Á trở thành chiến trường mới của 2 ông lớn thương mại điện tử:

▹ Tỷ lệ dân cư tầng lớp trung lưu tại khu vực ASEAN, trong đó có 10 nước Đông Nam Á, đang có sự tăng trưởng mạnh. Nhóm dân cư trung lưu tại đây được dự đoán sẽ đạt 400 triệu người vào năm 2020, tăng hơn 2 lần so với con số 190 triệu vào năm 2012 (theo Nielsen).

▹ Số lượng người có kết nối Internet trong khu vực này đang tăng lên với 130 triệu người sở hữu smartphone và 200 triệu người sử dụng Internet. Lượng người sử dụng Internet tại đây được dự đoán sẽ đạt 600 triệu người vào năm 2025.

▹ Doanh thu thương mại điện tử của khu vực đang tỏ ra rất hứa hẹn khi một nghiên cứu gần đây do Google phối hợp với công ty đầu tư Temasek Holdings thực hiện đã đưa ra dự đoán rằng doanh thu thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ có mức tăng trưởng hàng năm là 32%, từ 5,5 tỷ đô vào năm 2015 nhảy vọt đến 88 tỷ đô vào năm 2025 và chiếm 6% tổng doanh thu bán lẻ.

Năm nay, kỷ lục mới lại được xác lập khi doanh thu dịp Lễ Độc thân (11/11) tại Trung Quốc đạt 25 tỷ đô chỉ trong 24 giờ.

Lazada, một trong những sàn thương mại điện tử phổ biến nhất trong khu vực Đông Nam Á, cũng đã đạt doanh thu ấn tượng vào dịp khuyến mãi này dù chưa thể so sánh với con số của Trung Quốc.

Dù rằng vẫn chưa thể đạt độ “chín” như các thị trường phát triển, thương mại điện tử tại Đông Nam Á vẫn đang có những bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa với nhiều sự lựa chọn hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Một năm mới đang ở phía trước. Dưới đây là 7 xu hướng quan trọng mà chúng tôi cho rằng sẽ ảnh hưởng quyết định đến thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018.

1. Thanh toán trên điện thoại

Nhìn lại dịp khuyến mãi Lễ Độc thân, con số đáng chú ý nhất có lẽ là đây: 70% doanh thu đến từ thanh toán trên thiết bị di động. Điều này cho thấy rằng mua sắm trên điện thoại đang nhanh chóng trở thành phương thức mua sắm trực tuyến được ưa thích. Dù xu hướng này vẫn chưa thực sự mạnh tại các khu vực ngoài Singapore, chắc chắn thanh toán trên di động sẽ rất hứa hẹn trong tương lai.

Mặc dù những “ông lớn” Android Pay và Apple Pay vẫn chưa có mặt tại các quốc gia bên ngoài Singapore và Malaysia, các giải pháp thanh toán tương tự nhưng nhỏ hơn đã bắt đầu xuất hiện khắp nơi trong khu vực.

Tại Indonesia, cái tên nổi bật là Ponselpay, cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử thực sự khác biệt. Còn ở Thái Lan, Line Pay đang là cái tên nổi bật cùng với Rabbit Card, mang đến giải pháp thanh toán không cần thẻ cho các phương tiện vận chuyển cũng như khi mua sắm tại cửa hàng.

Cuối cùng, những “người khổng lồ” Alipay và Wechat Pay từ Trung Quốc cũng đang tiến vào thị trường Đông Nam Á. Chủ yếu nhắm đến đối tượng khách du lịch Trung Quốc, các lựa chọn thanh toán này đang dần phổ biến tại các khách sạn, chuỗi nhà hàng lớn. Các công ty chủ quản, Alibaba và Tencent cũng đang bắt đầu đầu tư vào các giải pháp thanh toán được phát triển tại bản địa.

Năm 2018 cũng sẽ chứng kiến sự phát triển của Mobile Wallet trong việc thanh toán tại cửa hàng, trên web và ứng dụng. Một khi khách hàng bắt đầu nhìn thấy giá trị và sự tiện lợi của ví điện tử, lượng sử dụng sẽ tăng lên. Với ảnh hưởng từ Alibaba và Tencent, đầu tư vào mảng thanh toán di động được kỳ vọng sẽ tăng lên và đạt mốc 32 tỷ đô vào năm 2021.

2. Giao hàng trong ngày

Một nghiên cứu gần đây từ L2 đã phát hiện ra rằng có đến ¼ người mua hàng sẽ bỏ giỏ hàng đã chọn nếu như nhà cung cấp không có lựa chọn giao hàng trong ngày, cho thấy khách hàng đang kỳ vọng thời gian giao hàng phải ngày càng ngắn hơn.

Giao hàng trong ngày đang dần trở nên rầm rộ trong năm nay, khi Lazada ra mắt Lazada Express tại Philippines, tiếp nối Singapore. Tuy vậy, dịch vụ này chỉ được cung cấp giới hạn tại các thành phố lớn và khu vực xung quanh.

Trong khi đó, Lazada Express cũng đã có một đối thủ mới là Amazon Prime Now tại thị trường Sìnapore, khiến Singapore trở thành quốc gia đầu tiên được Amazon cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày. Diện tích nhỏ và hệ thống giao thông thuận tiện của Singapore khiến cho đảo quốc sư tử trở thành môi trường lý tưởng cho dịch vụ này, tuy nhiên vẫn sẽ mất một thời gian để giao hàng trong ngày trở nên phổ biến.

Cũng có những nhà bán lẻ nhỏ hơn tại địa phương cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày, nhưng ở một quy mô nhỏ hơn nhiều, và một lần nữa cũng chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Trong năm tới, người tiêu dùng trong khu vực sẽ thấy nhiều cơ hội được giao hàng trong ngày hơn, đặc biệt là khi cuộc chiến cạnh tranh giữa Alibaba và Amazon đang nóng dần lên.

Trong thời điểm hiện tại, các dịch vụ giao hàng trên nền tảng ứng dụng như Uber Deliver và GrabExpress có thể đáp ứng giao hàng trong ngày ở quy mô nhỏ. Lalamove, một hãng giao nhận khác, lại cung cấp dịch vụ giao hàng tại địa phương với thời gian chờ trung bình chỉ 55 phút ở một số thành phố nhất định, cho thấy tiềm năng của việc giao hàng trong ngày ở Đông Nam Á.

3. Omnichannel 

Năm vừa qua, các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm cách để tạo ra những trải nghiệm mua sắm không ngắt quãng cho khách hàng, tạo điều kiện để họ thay đổi thói quen mua sắm. Trong năm tới, việc triển khai omnichannel vào trong sales và dịch vụ khách hàng sẽ trở nên quan trọng hơn nữa.

Các nhà bán lẻ sẽ cần phải cải thiện trải nghiệm mua sắm trên điện thoại, cũng như kết nối nhiều hơn giữa mua sắm online và offline để lôi kéo khách hàng. Bằng việc tạo ra một hệ thống bán hàng thống nhất và có tổ chức, nhà bán lẻ sẽ có thể theo dõi và kết nối trải nghiệm của khách hàng tốt hơn. Điều này tạo ra cảm giác tiếp nối liên tục cho khách hàng, giúp họ có thể linh hoạt hơn về địa điểm và cách thức mua sắm.

Một ví dụ của việc này là trường hợp của Courts Singapore, một nhà bán lẻ hàng điện tử lớn. Công ty này đã dành hơn một năm để nghiên cứu, thiết kế lại concept bán lẻ và trải nghiệm khách hàng. SmartOSC đã giúp họ tái thiết hệ thống, giúp trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng tốt hơn. Với việc tập trung vào tích hợp đa nền tảng, khách hàng của Courts có thể tìm kiếm và mua hàng trên mạng rồi sau đó nhận hàng tại cửa hàng hoặc nhận hàng được giao, trong khi mọi thứ vẫn được ghi nhận trong tài khoản riêng của họ. Hệ thống này giúp cho bộ phận chăm sóc khách hàng những thông tin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ A đến Z thông qua việc kết nối mọi touchpoint của khách hàng.

4. Các ứng dụng tin nhắn & chatbot

Business Insider Intelligence báo cáo rằng thời lượng người dùng dành cho các ứng dụng nhắn tin đã vượt mặt thời lượng sử dụng mạng xã hội, trong khi một báo cáo từ The Economist cho biết hơn 2,5 tỷ người đã cài đặt ít nhất 1 ứng dụng nhắn tin trên điện thoại của họ. Việc tận dụng các ứng dụng nhắn tin để tương tác với khách hàng giúp cho trải nghiệm của họ được cá nhân hóa nhiều hơn.

Hãng Philips Lighting Singapore đã ra mắt chatbot của riêng họ trên Fanpage của công ty, cho phép người dùng tìm hiểu nhiều hơn về các sản phẩm và dịch vụ của họ, cũng như có thể mua hàng trực tiếp thông qua Facebook Messenger.

Goldheart Jewelry Singapore là một ví dụ khác của việc gia tăng doanh thu nhờ chatbot. Để giúp khách hàng hiểu hơn về thương hiệu và các sản phẩm của Goldheart, chatbot đã kể câu chuyện về các viên kim cương mang tên Thiên Đường và Băng Nam Cực của thương hiệu này, cho khách hàng một cái nhìn sâu hơn về nguồn gốc của chúng. Hơn thế nữa, khách hàng còn có thể tương tác trong suốt trải nghiệm sử dụng chatbot với những thứ như làm bài quiz về tính cách để chọn chiếc nhẫn hoàn hảo cho nửa kia của mình.

Các ứng dụng nhắn tin mang đến tiềm năng to lớn cho các nhãn hàng. Hãy sẵn sàng để xem các thương hiệu đầu tư nhiều hơn vào các ứng dụng nhắn tin bằng cách hiện thực hóa việc mua hàng trực tiếp qua tin nhắn.

5. Cửa hàng trong cửa hàng

Mô hình Brand.com, khi các nhãn hàng bán sản phẩm của mình trên website của riêng họ, có những lợi thế nhất định so với việc bán hàng tại các sàn thương mại. Khi có website của riêng mình, các thương hiệu có thể tự do sáng tạo trong việc thiết kế, cấu trúc, đưa ra chọn lựa giao hàng cũng như tự chủ về việc khuyến mãi. Tuy nhiên, khi mà traffic của sàn thương mại ngày một lớn hơn, rất khó để các nhãn hàng làm ngơ kênh bán hàng này.

Nhằm mục đích giữ nhận diện thương hiệu của mình, một số thương hiệu đã kết hợp với các sàn thương mại để xây dựng cửa hàng của mình bên trong sàn thương mại, mang lại trải nghiệm mua sắm mới cho khách hàng.

Levi’s đã kết hợp với nhiều sàn thương mại điện tử trên thế giới, bao gồm Amazon và Lazada, để thiết kế của hàng của riêng họ. Bằng cách giới thiệu những bộ sưu tập mới nhất, các khuyến mãi và cả những dòng sản phẩm dành riêng cho nền tảng này, chiến lược store-in-store đã giúp Levi’s có được lợi thế tuyệt đối từ việc giữ nét riêng trong thiết kế cửa hàng mà vẫn tận dụng được nguồn traffic của sàn thương mại.

Với sự phổ biến của các sàn thương mại điện tử tại Đông Nam Á, các thương hiệu sẽ tăng cường việc mở rộng đến các trang này, nhưng vẫn tìm cách để tạo dựng hình ảnh riêng biệt cho mình.

 

6. Blockchain / Tiền ảo

Có thể nhắc đến Blockchain mà không nhắc đến tiền ảo. Được phát triển như một trong những yếu tố cốt lõi của Bitcoin, Blockchain đã đạt được những thành công nhờ vào bản chất phi tập trung và tính bảo mật của nó. Hiện nay, ứng dụng chủ yếu của Blockchain vẫn là trong Bitcoin.

Đối với thương mại điện tử, ứng dụng nhanh nhất sẽ là đưa tiền ảo vào trong thanh toán. Mặt khác, Blockchain cũng có thể hữu dụng trong chuỗi cung ứng, giao dịch và giao nhận, mang đến một giải pháp an toàn hơn, hiệu quả hơn cho việc theo dõi và ghi nhận.

Singapore đã bắt đầu đầu tư trực tiếp vào Blockchain thông qua việc thử nghiệm đồng tiền ảo của chính quốc gia này. Được đặt tên là “Project Ubin”, mục tiêu của họ là mở đường cho việc thanh toán giữa các ngân hàng theo phương thức phi tập trung (decentralized). Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu, giai đoạn thứ 2 của dự án đã khởi động với việc thử nghiệm và kiểm tra các bản mẫu phần mềm, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới. Nếu như thành công, dự án sẽ chứng minh tiền ảo và Blockchain là một phương thức thanh toán hoàn toàn khả thi.

Trong 2018, sự tiến triển của tiền ảo và Blockchain sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc chúng có nhận được sự chấp thuận hay không. Trong khi Nhật Bản đã khuyến khích và thậm chí thừa nhận tiền ảo dựa trên nền tảng Blockchain như là một hình thức thanh toán hợp pháp, Trung Quốc vẫn thờ ơ với xu hướng này. Theo tình hình như vậy, thật khó để đoán được liệu Blockchain và các ứng dụng của nó trong tiền ảo có phát triển được tại Đông Nam Á hay không, mặc dù Singapore đã tỏ ra rất quan tâm đến công nghệ này.

Dù sao đi nữa, công nghệ Blockchain vẫn sẽ nhận được những khoản đầu tư lớn trên toàn thế giới, cho phép việc phát triển những ứng dụng để giúp thương mại điện tử an toàn, hiệu quả và dễ sử dụng hơn. Mặc dù có lẽ công nghệ này sẽ chưa thể được ứng dụng rộng rãi trong vòng vài năm tới, trong năm 2018 chúng ta sẽ chứng kiến việc chấp nhận phổ biến hơn các đồng tiền ảo dựa trên Blockchain, cũng như nhìn thấy các ứng dụng đơn giản của công nghệ này.

 

7. GDPR

Cuối cùng, trong năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến những thay đổi về luật pháp gây ảnh hưởng lớn đến thị trường thương mại điện tử trên toàn thế giới. Dù mới chỉ có tác dụng đối với công dân EU, Bộ Quy định về bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), đã được lên kế hoạch để đưa vào triển khai vào tháng 5/2018, có thể sẽ gây ra tiếng vang lớn trên toàn cầu và thay đổi cách thức các doanh nghiệp xử lý dữ liệu người dùng. Các doanh nghiệp tại Đông Nam Á cũng sẽ cần phải thích ứng theo bộ quy định mới vì bất cứ dữ liệu nào được thu thập từ một công dân EU cũng sẽ nằm trong phạm vi điều chỉnh của bộ quy định và cần được xử trí một cách phù hợp.

Đối với các nhà bán lẻ, điều này có nghĩa là họ sẽ cần phải nhận được sự đồng ý chủ động của khách hàng để thu thập và lưu trữ bất cứ dữ liệu nào của họ. Quá trình xử lý dữ liệu cũng sẽ được xem xét, đặc biệt là đối với các công ty bên ngoài như các nhà cung cấp dịch vụ vận tải, giao nhận.

 

Theo MVVCoaching

Thông tin khác

Bình luận