Điểm hòa vốn là gì? Cách sử dụng điểm hòa vốn hiệu quả nhất | 3012

Bạn đang ở đây

Điểm hòa vốn là gì? Cách sử dụng điểm hòa vốn hiệu quả nhất

21/12/21 Lượt xem: 863

Điểm hòa vốn là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực kinh doanh và tài chính. Phân tích điểm hòa vốn là hoạt động quan trọng giúp chủ doanh nghiệp có góc nhìn cụ thể về tình hình kinh doanh doanh nghiệp, trở thành căn cứ đưa ra các quyết định sống còn như: xác định giá bán, quyết định thời điểm tung ra sản phẩm mới, xác định mục tiêu kinh doanh,...

1. Điểm hòa vốn là gì?

Điểm hòa vốn (Break Even Point) là "Điểm" mà khi doanh thu và chi phí của doanh nghiệp đó bằng nhau. Tại Điểm hòa vốn, doanh nghiệp không lời (lãi) mà cũng chẳng lỗ.

Một công ty đạt tới Điểm hòa vốn (Break Even Point) khi doanh thu (thường là doanh thu thuần) bằng Tổng tất cả chi phí, nghĩa là:

Doanh thu – Tổng chi phí của doanh nghiệp = 0

2. Cách sử dụng Điểm hòa vốn

Các công ty sử dụng Điểm hòa vốn để xác định độ khó của việc thu lại lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điểm hòa vốn càng thấp đồng nghĩa với rào cản tiến tới thành công về mặt tài chính của một công ty càng thấp. Ngoài ra, các công ty cũng thường sử dụng Điểm hòa vốn để:

  • Xác định giá bán phù hợp cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
  • Làm nổi bật chi phí nào đang quá cao để có thể giảm bớt hay cắt bỏ.
  • Quyết định thời điểm tung ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mới hay quyết định có nên tung ra  một sản phẩm hoặc dịch vụ mới hay không
  • Lấy cơ sở để xác định mục tiêu kinh doanh cho doanh nghiệp.

Các công ty thậm chí còn dùng điểm hòa vốn để đưa ra quyết định có nên tiếp tục hoạt động kinh doanh nữa hay không. Nếu một công ty liên tục hoạt động ở dưới điểm hòa vốn thì việc tiếp tục kinh doanh có thể không hợp lý. Ví dụ: Cửa hàng Thời trang cần trang trải tất cả các Chi phí trong 1 tháng là 4.000.000đ. Sau 1 tháng, doanh thu bạn thu được chỉ là 2.000.000đ có nghĩa là tháng đó bạn lỗ vì lợi nhuận của cửa hàng là 2.000.000 – 4.000.000 = -2.000.000đ. Nếu tình trạng này duy trì lâu, thì bạn nên cân nhắc ngừng hoạt động kinh doanh vì càng làm càng lỗ.

Thực tế, việc doanh nghiệp nào khi bắt đầu kinh doanh lập tức phải có lãi trong những tháng hoạt động đầu tiên là điều gần như không thể xảy ra. Vì vậy, điểm hòa vốn có thể chia lần lượt thành 3 cột mốc mục tiêu kinh doanh như sau: 

  • Điểm hoà vốn hoạt động theo tháng: là thời điểm mà Doanh thu – Tổng chi phí của doanh nghiệp trong 1 tháng = 0, nghĩa là riêng tháng đó doanh nghiệp không lời cũng chẳng lỗ, song các tháng khác có thể không (dẫn đến khi Tổng kết năm tài chính vẫn ghi nhận rằng năm đó doanh nghiệp đang lỗ). Đây là cột mốc đầu tiên mà doanh nghiệp cần đạt được, thông thường doanh nghiệp cần hoạt động từ  6 - 10 tháng kể từ khi bắt đầu kinh doanh mới có thể chinh phục được cột mốc này.
  • Điểm hoà vốn hoạt động theo năm: là thời điểm mà Doanh thu – Tổng chi phí của Doanh nghiệp trong 1 năm = 0, nghĩa là tính Tổng kết cả năm tài chính ghi nhận doanh nghiệp riêng năm đó không lời cũng chẳng lỗ (đồng nghĩa tất cả các tháng trong năm đó khi tính bình quân thì doanh nghiệp đều đạt Điểm hoà vốn), song các năm khác có thể không (dẫn đến khi Tổng kết toàn bộ các năm tài chính kể từ khi hoạt động vẫn ghi nhận rằng doanh nghiệp đang lỗ). Đây là cột mốc thứ hai mà Doanh nghiệp cần đạt được, thông thường sẽ phải mất 18 - 24 tháng kể từ khi bắt đầu kinh doanh một doanh nghiệp mới chinh phục được cột mốc này.
  • Điểm hoà vốn đầu tư (hay Điểm hoàn vốn đầu tư): là thời điểm khoản vốn đầu tư ban đầu của chủ doanh nghiệp hay các cổ đông, nhà đầu tư đã được các khoản lợi nhuận theo tháng hay năm của doanh nghiệp tích luỹ lại đủ để hoàn trả. Đây là cột mốc thứ ba mà doanh nghiệp cần đạt được, thông thường sẽ phải đến tháng thứ 30 cho đến tháng thứ 36 kể từ khi kinh doanh doanh nghiệp mới chinh phục được cột mốc này.

3. Cách tính sản lượng hoà vốn

điểm hòa vốn

Công thức để tính sản lượng hoà vốn hay sản lượng sản phẩm cần bán ra để đạt điểm hoà vốn là:

Điểm hòa vốn = Tổng Chi phí cố định : (Giá bán mỗi sản phẩm – Chi phí biến đổi mỗi sản phẩm)

Như vậy, cứ mỗi sản phẩm hay dịch vụ được bán ra, ngay trên giá bán hay doanh thu của nó đã luôn có một tỷ lệ giá trị được hạch toán ra để bù đắp cho chi phí biến đổi, phần giá trị còn lại sau khi lấy doanh thu trừ đi chi phí biến đổi này thường được gọi là Số dư đảm phí (hoặc Lãi trên biến phí: Contribution Margin) sẽ được tích luỹ lại để bù đắp cho tổng chi phí cố định của doanh nghiệp.

4. Cách hạ thấp Điểm hòa vốn

Các công ty kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp mới luôn cố gắng hạ thấp Điểm hòa vốn một cách tối đa để nhanh chóng sinh ra lợi nhuận. Có hai cách chính để làm việc này: Cắt giảm chi phí hoặc tăng giá bán. Cách thứ 2 thường khó thực hiện hơn vì người tiêu dùng thường không sẵn sàng để mua một sản phẩm quá đắt. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn có  thể cắt giảm chi phí bằng các cách khác như:

  • Đặt cửa hàng ở nơi có giá thuê mặt bằng thấp hơn và chỉ thuê không gian mà bạn thực sự cần.
  • Tìm kiếm, sử dụng nhà cung cấp và nguồn cung cấp có giá rẻ hơn.
  • Giảm lương, giờ làm hay số lượng nhân viên.
  • Cân nhắc làm việc từ xa (nếu có thể) để vắt giảm không gian cần thiết (và cả tiện ích đi kèm như điện, nước).
  • Xác định đối tượng khách hàng của doanh nghiệp chính xác hơn, từ đó tối ưu chi phí Marketing & Sales trên mỗi sản phẩm được bán ra.
  • Sử dụng hệ thống CRM để tối ưu hoạt động quản lý doanh nghiệp và quan hệ khách hàng.

Doanh nghiệp cần có một hệ thống quản lý tối giản và linh hoạt để tăng năng suất làm việc, quản lý và nắm bắt được các thông tin để có chiến lược hoạt động hiệu quả nhất. Đây là một cách cắt giảm chi phí dễ dàng đồng thời giúp đơn giản hóa các quy trình và hoạt động tại công ty, từ đó nâng cao năng suất làm việc và tăng lợi nhuận nhanh chóng cho doanh nghiệp.  

5. Tổng kết

Điểm hòa vốn của một công ty là “Điểm” mà khi doanh thu và chi phí của doanh nghiệp đó bằng nhau. Điểm Hòa vốn được tính toán bằng cách sử dụng chi phí cố định, chi phí biến đổi và giá bán của toàn bộ sản phẩm công ty đó làm ra. Các doanh nghiệp thường sử dụng Điểm hòa vốn để xác định khi nào thì họ có thể thu được lợi nhuận hoặc quyết định xem có nên thay đổi giá bán hay chi phí không.

Nguồn: MBA "Đường Phố"

Từ khóa: 

Thông tin khác

Bình luận