Áp dụng mô hình SMART để bứt phá trong kinh doanh

Bạn đang ở đây

Áp dụng mô hình SMART để bứt phá trong kinh doanh

18/11/21 Lượt xem: 126

Về tổng quan, phương pháp SMART giúp bạn xây dựng và đo lường hiệu quả các mục tiêu đề ra. Thông qua SMART: - Về phía nhân viên: Họ sẽ nhìn nhận được rõ ràng mục tiêu, nắm bắt được chính xác những điều lãnh đạo mong muốn họ đạt được.  - Về phía lãnh đạo: Bạn có thể quản trị, kiểm soát việc thực hiện mục tiêu của nhân viên dễ dàng hơn. Từ đó, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, nguồn lực công ty để tập trung vào chính xác các mục tiêu cần đạt được. Phương pháp SMART là viết tắt của 5 từ: S – Specific (tính cụ thể) M – Measurable (tính đo lường) A – Achievable (tính khả thi) R – Relevant (tính liên quan) T – Time-Bound (giới hạn thời gian) 

smart

Phương pháp Smart là gì?

S – SPECIFIC (TÍNH CỤ THỂ)

Mục tiêu đề ra cần cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng, không gây ra sự khó hiểu, mơ hồ. Bạn có thể hình dung tính cụ thể khi thiết lập mục tiêu như lúc bạn lên xe taxi và nói rõ ràng địa điểm bạn muốn đến thì tài xế mới có thể chở bạn đến đúng nơi nhanh chóng, không lạc đường.

Thay vì đề ra mục tiêu rất mơ hồ là bán được thật nhiều sản phẩm, bạn hãy đề ra mục tiêu thật cụ thể:

  • Bán sản phẩm gì?
  • Bán ở đâu, ở khu vực nào?
  • Bán vào khoảng thời gian nào?
  • Mục tiêu doanh thu là bao nhiêu?

Mục tiêu đã cụ thể, rõ ràng và nhân viên, team của bạn sẽ rất khó có thể bị nhầm lẫn về mục tiêu cần hướng tới trong thời gian tới.

M – MEASURABLE (TÍNH ĐO LƯỜNG)

Các mục tiêu của bạn đề ra cần gắn với yếu tố định lượng, đo lường được để có thể dễ dàng theo dõi tiến độ thực hiện. Khi chúng ta nói đến đo lường không có nghĩa là chỉ cần gắn mục tiêu với một phép đo, một công thức hay con số nào đó mà đo lường ở đây nên được hiểu là mục tiêu cần được đo lường khách quan.

A – ACHIEVABLE (TÍNH KHẢ THI)

Mục tiêu cần phải có sự thách thức. Bạn không nên đề ra một mục tiêu quá dễ dàng để đạt được vì kết quả đạt được sẽ không có nhiều ý nghĩa. 

Tuy nhiên, bạn cũng không nên đặt ra mục tiêu quá khó khăn đến mức không thể đạt được. Mục tiêu đề ra cần có tính khả thi, thách thức vừa đủ trong khả năng, nguồn lực hiện tại.

Hãy hình dung “sức khỏe”, sự phát triển doanh nghiệp của bạn cũng giống sức khỏe của con người. Khi chơi thể thao, bạn cần tập luyện đều đặn, đủ cường độ thì mới có hiệu quả giúp kích thích các nhóm cơ bền bỉ, phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, khi cường độ, ngưỡng vận động quá cao, vượt khỏi khả năng chịu đựng của cơ thể thì bạn rất dễ bị chấn thương.

Bạn hãy giúp doanh nghiệp của mình tìm được một điểm ngưỡng giới hạn, có thể thực hiện để giúp phát triển doanh nghiệp nhưng không quá tải dẫn đến doanh nghiệp bị “chấn thương”.

R – RELEVANT (TÍNH LIÊN QUAN)

Mục tiêu cần có tính liên quan đến các giá trị lâu dài bạn muốn đạt được, phù hợp với các mục tiêu khác đang được thực hiện. Một mục tiêu không có tính liên quan thì dù cho đạt được cũng không đem lại cho bạn giá trị hay ý nghĩa gì nhiều.

T – TIME - BOUND (GIỚI HẠN THỜI GIAN)

Yếu tố giới hạn thời gian sẽ giúp bạn và team duy trì động lực thực hiện mục tiêu. Gắn mục tiêu với thời gian cụ thể cần hoàn thành cũng giúp bạn thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành mục tiêu.

5 bước áp dụng mô hình SMART trong kinh doanh

Trong một công ty, team kinh doanh luôn được ví như lực lượng tiền tuyến đem lại doanh thu cho công ty. Bạn nên dành thời gian trao đổi, tham vấn ý kiến từ chính team kinh doanh của mình để xác định mục tiêu kinh doanh cần đạt được trong thời gian tới là gì.

Bước 1 – Xác định chính xác mục tiêu kinh doanh của bạn là gì

Chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm tới những biến động thị trường, sự thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của khách hàng… để xác định chính xác các mục tiêu kinh doanh.

Xác định chính xác mục tiêu cũng như khi bạn biết rõ mình cần đi về đâu, chúng ta có một tọa độ cụ thể, một điểm rõ ràng trên bản đồ để định hướng. Nhiều trường hợp team kinh doanh không hoàn thành mục tiêu đề ra hoặc mục tiêu đạt được nhưng không đóng góp được nhiều giá trị cho tổ chức là do không xác định được chính xác mục tiêu kinh doanh cần hướng tới là gì.

Bước 2 – Gắn mục tiêu kinh doanh với các yếu tố định lượng, đo lường được

Mục tiêu kinh doanh của bạn cần được gắn với các yếu tố định lượng, đo lường được. Chính các yếu tố này sẽ giúp bạn biết rõ mục tiêu có đang được thực hiện đúng hướng, có thể hoàn thành được hay không.

Các yếu tố định lượng, đo lường không chỉ giúp làm rõ mục tiêu mà còn giúp bạn gia tăng động lực hoàn thành mục tiêu. Về mặt tâm lý học, chúng ta thường có xu hướng nỗ lực cao độ hơn để hoàn thành các mục tiêu có kết quả rõ ràng, cụ thể hơn là các mục tiêu mơ hồ, khó đo lường. 

Bước 3 – Xem xét khả năng thực hiện thành công mục tiêu

Sau khi xác định chính xác điều chúng ta muốn đạt được và đạt được ở mức nào thì bạn cần xem xét thêm các yếu tố như nguồn lực công ty, tình hình thị trường, những cơ hội, rủi ro trong thời gian tới… Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc bạn hoàn thành mục tiêu đề ra. Do đó, bạn cần xem xét khả năng thực hiện thành công mục tiêu.

Cũng như khi chơi một ván cờ, bạn không chỉ cần biết mình muốn đi nước cờ nào mà còn phải dự phòng được rủi ro nếu đi nước cờ đó có thể ảnh hưởng tới thế cục ván cờ như thế nào.

Bước 4 – Xem xét mức độ liên quan của mục tiêu

Một mục tiêu được đề ra không nên bị bó hẹp trong các khuôn khổ. Mục tiêu nên được đặt trong một bức tranh phát triển chung, bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp và xem xét mức độ liên quan. 

Một mục tiêu cụ thể có thể mới đầu có vẻ rất tốt nhưng khi đặt trong sự phát triển chung, lâu dài của doanh nghiệp lại không cần thiết hoặc thậm chí có hại. Mục tiêu đề ra cần có sự kết nối, tạo ra giá trị cộng hưởng với các mục tiêu khác của công ty. 

Bước 5 – Gắn mục tiêu với một thời gian hoàn thành cụ thể

Vào mỗi dịp năm mới, chúng ta thường đề ra rất nhiều các mục tiêu cần hoàn thành. Có những mục tiêu có khi còn chưa kịp bước ra khỏi trang giấy hay tâm trí của bạn để được nỗ lực thực hiện dù chỉ một ngày. Hội chứng năm mới có đang xuất hiện trong công ty của bạn?

Khi mục tiêu đề ra luôn cần gắn với một thời gian hoàn thành cụ thể. Hạn định thời gian sẽ giúp gia tăng áp lực hoàn thành lên team kinh doanh của bạn. Điều này cũng thể hiện quyết tâm cao độ hoàn thành mục tiêu từ phía lãnh đạo. Khi nhân viên nhận nhiệm vụ, mục tiêu kinh doanh gắn với thời gian cụ thể, họ cũng dễ dàng phân phối nguồn lực, thời gian hợp lý để hoàn thành mục tiêu đúng hạn hơn.

Bước 6 – Viết mục tiêu ra giấy và cam kết thực hiện

Bạn có thể viết mục tiêu kinh doanh theo mô hình SMART của mình ra giấy và cam kết thực hiện thành công mục tiêu đó. 

Với mục tiêu đề ra cho team kinh doanh, bạn có thể làm thành một văn bản ghi nhớ, hoặc mục tiêu quý, mục tiêu năm… có chữ ký của lãnh đạo công ty, lãnh đạo team kinh doanh và treo lên tường. Các văn bản cam kết này có thể giúp nhân viên toàn team kinh doanh nắm rõ về mục tiêu, những điều cần hướng tới một cách cụ thể, rõ ràng.

Việc đề ra mục tiêu SMART trong kinh doanh đúng, trúng còn luôn cần gắn với truyền thông nội bộ hiệu quả, rõ ràng. Mục tiêu dù đúng nhưng khi toàn team có những thành viên chưa hiểu rõ, hiểu đúng về mục tiêu thì họ cũng không thể làm việc hiệu quả và ảnh hưởng đến kết quả toàn team.

Tổng kết

Bài viết trên đã cho bạn một cái nhìn tổng quát về cách áp dụng mô hình SMART để bứt phá trong kinh doanh

Nguồn: GPO

Thông tin khác

Bình luận