Đó là câu hỏi mà chắc không ít người làm nghề nhà hàng có lăn tăn trong đầu, nhất là sau một thời gian dài nằm nhà bắt đầu “làm thân” với việc ăn đồ ăn giao tận nhà.
Nếu không lầm thì gã khổng lồ Amazon đã từng đánh hơi xu thế ăn đồ nhà hàng nhưng được giao tận nhà từ năm 2015 thông qua nhánh kinh doanh Amazon Restaurants của mình với sự hợp tác của một loạt nhà hàng tên tuổi như P.F. Cheng’s, Applebee’s, Olive Garden…
Rồi hơn một năm gần đây tại New York, Chicago và Los Angeles đã bắt đầu xuất hiện trào lưu “virtual restaurants” - nhà hàng ảo, ngay cả trước khi dịch cúm toàn cầu xuất hiện. Còn bây giờ - rõ ràng là không có gì sung sướng hơn cho mấy nhà tiên phong nhà hàng ảo đó.
Xu thế “nhà hàng ảo” không phải tự nhiên xuất hiện, mà nó được thai nghén từ khi các công nghệ ứng dụng app và food delivery app bùng nổ, cộng thêm chi phí đầu tư và vận hành nhà hàng ngày càng đi gần đến ngưỡng không ai chịu nỗi.
Bởi vậy mà Investment bank UBS từng dự đoán rằng doanh số từ ngành giao thức ăn tận nhà (food delivery sales) sẽ tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm, để đến năm 2030 con số doanh thu 35 tỷ đôla trên toàn cầu hiện nay sẽ tăng lên thành 365 tỷ đôla. Một con số khá ấn tượng.
Trở lại câu hỏi liệu người ta sẽ chuyển qua ăn take-away, “online” hay ăn “nhà hàng ảo” (nhà hàng không có thuê mặt bằng, không chỗ ngồi, chỉ có nấu và giao hàng tận nhà) sau khi mùa dịch đi qua hay không, theo tôi thì sẽ có một lộ trình chứ không đến nhanh đột ngột như vậy.
Giống như đọc báo, đọc sách online, nhà hàng online, ăn uống order qua mạng chắc chắn sẽ có xu thế thay thế dần nhà hàng truyền thống, đặc biệt là người dân toàn thế giới đã có một thời gian dài được con virus corona “training” ăn tại nhà.
Nhưng như đã nói, không thể xảy ra qua đêm được mà cần có lộ trình, nhưng rõ ràng là sẽ có sự tăng tốc đáng kể. Và cũng rõ ràng là ngành nhà hàng, ăn uống sẽ không còn enjoy vị thế “miễn dịch” với xu thế online và ảo như mọi người từng nghĩ nữa.
Mọi thứ đã thay đổi sau cơn đại dịch. Cách chúng ta ăn uống, kinh doanh ăn uống cũng sẽ có thay đổi. Tôi thích lập lại câu nói của nhà khoa học Darwin, là trong các cuộc khủng hoảng, người chiến thắng không phải là người giỏi nhất hay thông minh nhất, mà là người biết cách thích nghi với hoàn cảnh nhất.
Nếu tôi còn kinh doanh trong ngành F&B thì ngay lúc này đây phải nghĩ thêm cách áp dụng công nghệ thông tin vào mô hình kinh doanh càng nhiều càng tốt, vận dụng triệt để các food delivery app, và suy nghĩ thêm hay mông má lại các qui trình và chiến lược về delivery, bán hàng mang đi take-away. Bất kể nhà hàng lớn hay nhà hàng nhỏ, bất kể tiệm ăn hay quán cà phê.
Nương theo xu thế vẫn an toàn hơn. Còn nếu không có gì thay đổi nhiều sau cơn khủng hoảng thì tất cả những thứ cộng thêm liên quan đến delivery, take-away đều là một nguồn doanh thu mới quí giá...
Chia sẻ Lý Quí Trung - Quản trị & Khởi nghiệp