Có rất nhiều người đã hỏi tôi “Liệu bao giờ thế giới sẽ quay trở lại sau đại dịch?” Câu trả lời là: “Thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại được như cũ nữa!”
1. Hạn chế thương mại quốc tế ?
Có rất nhiều người cho rằng nguyên nhân dịch bệnh bùng phát là do sự mở cửa giao thương. Cũng có những nghị sĩ Mỹ chỉ trích Tổng thống và cho rằng nguyên nhân của việc đại dịch không thể kiểm soát là do chúng ta đã phụ thuộc quá lớn về sản xuất tại Trung Quốc, để rồi khi đại dịch xảy ra, các nước tranh giành nhau từng lô hàng khẩu trang, máy thở từ Trung Quốc. Điều các nước sẽ làm sau khủng hoảng đó là tự xây dựng các khu công nghiệp sản xuất tại nước mình và không phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài, hạn chế giao thương.
Thực sự vấn đề không phải ở sự toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa vẫn sẽ diễn ra như một xu hướng mà không ai cản được. Theo nguyên lý kinh tế thì việc các nước tập trung, chuyên biệt hóa một sản phẩm là một xu hướng bắt buộc để nâng cao tính cạnh tranh và tối ưu hóa chi phí. Nhắc đến đồng hồ chúng ta sẽ nghĩ ngay tới Thụy Sĩ. Nhắc tới oto chúng ta sẽ nghĩ ngay tới xe Đức. Tất nhiên các nước khác cũng có thể làm được, nhưng không bao giờ tốt bằng Thụy sĩ hay Đức. Một yếu tố nữa chính là chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội là chi phí vô hình chúng ta phải trả khi đưa ra một lựa chọn. Vợ bạn chắc chắn nấu ăn và chăm con giỏi hơn bạn.
Nhưng cô ấy vẫn phải nhờ bạn chăm con để có thời gian nấu cơm hoặc bạn phải đi nấu cơm để cô ấy chăm con. Dù cô ấy giỏi nhưng không thể làm được cả hai việc một lúc. Vậy nên Trung Quốc vẫn sẽ là đại công xưởng của thế giới vì không ở đâu có thể có lượng nhân công, hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của các công ty thế giới nhanh và rẻ, mà vẫn đủ chất lượng như Trung Quốc. Trên thế giới có một thuật ngữ là giá Trung Quốc. Dù bạn có làm một sản phẩm rẻ đến đâu thì Trung Quốc vẫn có cách đưa ra một mức giá rẻ hơn. Đó chính là sự đáng sợ của Trung Quốc.
Vậy nên toàn cầu hóa sẽ vẫn diễn ra nhưng chúng ta cần một cách tiếp cận khác. Vũ khí thực sự để chúng ta có thể chống lại được đại dịch chính là sự minh bạch thông tin chứ không phải bế quan tỏa cảng. Nếu Trung Quốc minh bạch về thông tin bệnh dịch, chắc chắn sẽ không có sự lây lan mạnh mẽ như hiện tại. Nếu Trung Quốc minh bạch về thông tin, các nước có thể dự đoán và tính toán chính xác về sự nguy hiểm của đại dịch để đưa ra những biện pháp phòng chống.
Bản thân các nước dựa vào thông tin của tổ chức Y tế Thế giới, còn Tổ chức Y tế Thế giới - WHO lại dựa hoàn toàn vào thông tin được Trung Quốc cung cấp. Chính vì những thông tin một chiều thiếu chính xác mà cả thế giới đã có cái nhìn sai về Corona và bị bất ngờ trước đại dịch. Nếu thông tin minh bạch, các nước hoàn toàn có thể chia sẻ những kinh nghiệm về cách kiểm soát đại dịch cho nhau và phân phối nhu yếu phẩm tới những nơi cần thiết trước. Mỹ cũng như rất nhiều nước đã nhận ra sự phụ thuộc của mình vào Trung Quốc và họ đã đề ra những phương pháp như "Trung Quốc +1" để hạn chế sự phụ thuộc của mình.
Ngoài sản xuất tại Trung Quốc, họ sẽ tìm thêm những nhà cung cấp khác ở các nước để đa dạng hóa nền cung cấp. Trong tương lai, sự đa dạng hóa các chuỗi cung ứng sẽ là lời giải cho toàn cầu hóa chứ không phải tất cả các nước đều rút về và sản xuất tại nội địa.
2. Sự chuyển dịch về kinh tế
Chúng ta sẽ không băn khoăn hay nghi ngờ gì về một cuộc khủng hoảng kinh tế sau đại dịch lần này. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này sẽ khác với khủng hoảng kinh tế năm 2008. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 là khủng hoảng bong bóng, tức là các giá trị bị thổi phồng quá mức. Còn cuộc khủng hoảng 2020 là khủng hoảng đóng băng như một người ngủ đông. Vậy nên, khủng hoảng kinh tế lần này sẽ phục hồi nhanh hơn, vì bản chất chúng ta vẫn giữ được tài nguyên giá trị cốt lõi của mình. Tất nhiên sẽ có một sự chuyển dịch giữa các ngành.
Đại dịch này là một sự chuyển giao về quyền lực và tài nguyên giữa rất nhiều nhóm. Sẽ có những người giàu lên và sẽ có những người nghèo đi, khoảng cách phân hóa giàu - nghèo ngày càng lớn. Đại đa số các ngành đều ảnh hưởng nhưng ngành sản xuất khẩu trang hay kinh doanh online lại phát triển mạnh. Ví dụ đơn giản như những mặt bằng tại các khu đất vàng sẽ trở về giá trị thực của nó khi cho thuê và không bị thổi phồng giá nữa. Lúc này, ai là người đủ vốn sẽ thâu tóm được thị trường. Có một sự đứt gãy trong thị trường và thường trong sự đứt gãy này, những điều mới lạ sẽ được sinh ra. Vào năm 2008, khi khủng hoảng nổ ra thì lúc đó Airbnb hay Uber ra đời. Khi thị trường tạo ra những nhu cầu mới, các dịch vụ cũng sẽ được tạo ra để đáp ứng những nhu cầu đó.
Tôi tin rằng, sau đại dịch này sẽ có rất nhiều mô hình kinh doanh sáng tạo và đột phá ra đời.
3. Hành vi và thể chế thay đổi
Tại Mỹ và các quốc gia Châu Âu, hành vi đeo khẩu trang thể hiện bạn bị bệnh. Còn ở các quốc gia Châu Á, việc đeo khẩu trang thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ cộng đồng. Hiện nay, tư duy của người Mỹ đã thay đổi, họ bắt đầu tự đeo khẩu trang khi ra đường để bảo vệ mình. Hay một ví dụ khác như việc học online tại Việt Nam, đó là một điều khá khó khăn khi tính tự giác còn thấp và mọi người thích sự tương tác trực tiếp hơn. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch, việc học online là bắt buộc và chẳng có ai than phiền cả, họ chấp nhận một hành vi mà bình thường có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ làm.
Một hành vi được duy trì hơn 21 ngày sẽ tạo thành thói quen và thay đổi nhận thức của người dùng. Trước đây, Uber hay Grab đã phải đổ rất nhiều tiền và thời gian để thay đổi hành vi của người dùng trong việc gọi taxi bằng ứng dụng điện thoại thay cho việc gọi taxi từ tổng đài. Đại dịch đã thay đổi hành vi và tư duy người dùng một cách nhanh chóng và triệt để. Vậy nên, tư duy và hành vi mua hàng của khách hàng sẽ thay đổi sau đại dịch. Các công ty và dịch vụ phải nắm bắt thay đổi này để phù hợp những thói quen và tư duy mới, nếu không họ sẽ bị đào thải.
Đại dịch chính là cơ hội để chúng ta làm những việc mà bình thường không thể làm. Lúc này vì sức khỏe mà mọi người chấp nhận đánh đổi sự tự do cá nhân và đồng ý với những điều không bình thường. Những quy chế, công nghệ có thể bị chín ép, đưa ra sử dụng dù chưa sẵn sàng. Như Trung Quốc đã áp dụng trí thông minh nhân tạo và hệ thống camera CCTV Để theo dõi toàn bộ người dân, kiểm soát dịch bệnh. Họ đi đâu, làm gì, gặp gỡ ai đều được ghi lại. Và với sự can thiệp mạnh mẽ vào quyền riêng tư, các yếu tố cá nhân của con người, thì vụ khủng hoảng rò rỉ thông tin cá nhân của FB cho Cambridge Analytica chỉ là con muỗi.
Có nhiều người cho rằng những chế tài đó sẽ được rút lại sau khi đại dịch chấm dứt nhưng rất tiếc mọi điều sẽ không như vậy. Bạn sẽ làm như thế nào nếu chính quyền muốn kiểm soát sự riêng tư của bạn, can thiệp sâu vào công việc kinh doanh với lý do để đề phòng đại bùng nổ lần thứ hai. Giữa sức khỏe và sự tự do cá nhân, bạn sẽ chọn lựa chọn điều gì? Bạn có biết rằng chiến tranh giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang diễn ra. Sau bao nhiêu năm trời thì hai quốc gia vẫn luôn ở trong tình trạng chiến tranh chứ chưa từng tuyên bố kết thúc.
Vì vậy ở Hàn Quốc việc đi nghĩa vụ quân sự hai năm là bắt buộc để đảm bảo sẵn sàng cho chiến tranh và điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của toàn bộ người dân Hàn Quốc. Có những điều rất khó để làm, nhưng đã làm thì khó dừng lại.
Vũ Minh Trường – NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison