Năm 2020: Cuộc chơi startup ngày càng nghiêm túc hơn | 2129

Bạn đang ở đây

Năm 2020: Cuộc chơi startup ngày càng nghiêm túc hơn

30/01/20 Lượt xem: 19

Trong những năm qua, sự bùng nổ của phong trào startup tại Việt Nam vô cùng mạnh mẽ, cũng đã có nhiều startup thành công nhưng cạnh đó cũng rất nhiều startup đã "nghẻo" ngay từ năm thứ nhất. Và trong năm 2020 dự kiến là một năm mà cộng đồng startup Việt tiếp tục chứng kiến nhiều startup không đủ lực để vượt qua các thách thức. Cũng nhờ thế, cộng đồng startup Việt sẽ mạnh mẽ hơn và trưởng thành hơn.

Dưới đây là một vài chia sẻ cá nhân từ FB anh Doanh Nguyen người đã đồng hành cùng với vài trăm startup trong năm qua.

1. Các anh lớn startup đã càn quét các thị trường ngách mà mọi người cho là thế mạnh của startup địa phương. Họ “ăn” không trừ ngách nào miễn kiếm được tiền, kiếm được khách hàng, được thị phần. Họ chẳng có gì ngoài thế mạnh nền tảng công nghệ có sẵn, thị trường - đội ngũ có sẵn nên việc đánh chiếm ngách nhỏ chỉ là thời gian và bằng một quyết định nhanh.

2. Đông đảo các founder đã từng du học và làm việc ở nước ngoài đã trở về startup tại quê hương. Đây là một lực lượng startup chất lượng cho cộng đồng startup Việt Nam. Hơn một nửa startup mà StartupLAW hỗ trợ được sáng lập bởi nhóm này. Các lợi thế về ngoại ngữ, mối quan hệ và tư duy đề cao hiệu quả giúp họ đi khá nhanh.

3. Sự tham gia ngày càng nghiêm túc của các vườn ươm, cơ sở hỗ trợ startup. Mặc dù với giai đoạn phát triển hiện tại, các vuờn ươm này đã cố gắng nhưng chương trình ươm tạo của họ cũng mới dừng ở mức độ vun đắp, cổ vũ startup ở giai đoạn sớm. Kết hợp với năng lực hiện tại, các startup được ươm tạo chưa thực sự cất cánh được. Tuy nhiên, đã startup ở Việt Nam thì không nên bỏ qua cơ hội được ươm tạo này. Chỉ có điều số % cổ phần để lại cho vườn ươm hơi gắt. Từ 10-20% cổ phần cho một chương trình ươm tạo vài tháng.

4. Vốn đầu tư cho startup được rót nhiều hơn, phần lớn từ nước ngoài

Các nhà đầu tư nước ngoài cá nhân và quỹ đã quen dần với việc Việt Nam là một trong những cộng đồng startup đáng đầu tư bên cạnh Indo, Sing, Thái, Malaysia ... Tuy nhiên, tiền đổ vào đây chưa đậm. Phổ biến nhất là các khoản đầu tư tầm 50 - 200 ngàn USD cho mỗi lần đầu tư. Vì gọi được ít nên startup của ta phải gọi nhiều lần, kết quả là số cổ phần bán ra khá nhiều, thành ra khi gọi đến vòng A thì startup cũng đã bán cho nhà đầu tư tầm 30%- 50% phân bổ cho tầm 3-10 nhà đầu tư rồi. Đây là một điểm kém hấp dẫn của một startup. Các thương vụ tầm 1 triệu USD trở lên thì số lượng thương vụ chưa đủ đếm hết đầu ngón tay. Nhà đầu tư đến từ Singapore (chủ yếu là quỹ/tổ chức), Hàn, Nhật, vẫn là số đông và sẵn có.

5. Tiền

Trong khi doanh thu vẫn còn là một ẩn số thì tốc độ tiêu tiền của startup trong năm qua khá mạnh. Văn phòng mở rộng liên tục và tất nhiên là phải đẹp. Nhiều anh em startup nuôi quân đã 1 - 2 năm mà chưa có doanh thu nên startup liên tục kêu gọi vốn đầu tư để bổ sung tiền mặt.

Vấn đề dòng tiền là một điểm yếu chết người của startup mà chỉ có nhà đầu tư mới cứu được. Đây là lý do cuối năm vừa rồi, áp lực thưởng Tết và trả lương tháng 12, tháng 1 đã vắt kiệt sức của phần lớn startup. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho startup đòi hỏi trình độ cao và startup thường trả lương cao hơn cho nhân sự (nhất là dev và COO) so với doanh nghiệp thông thường khác để thu hút nên chi phí nhân sự và marketing là hai chi phí ngốn nhiều tiền nhất. Chỉ cần một quyết định sai lầm trong tuyển dụng và tiếp thị, tiền sẽ mất đi rất nhiều.

CƠ HỘI CHO STARTUP VIỆT VÀ NHỮNG VIỆC CẦN LÀM

Những ai đồng hành với cộng đồng startup tầm 4-5 năm qua chắc sẽ có cùng cảm nhận giống tôi, cơ hội là thứ sẵn có nhất ở đất nước này. Hết cơ hội này chắc chắn sẽ mở ra cơ hội khác. Vấn đề là chúng ta chưa tận dụng được, làm chưa tới. Năm 2020, dự là sẽ có nhiều khó khăn, tôi đề xuất một số việc cần làm như sau, anh em startup tham khảo:

1. Tận dụng “Sự thông minh và khả năng xoay sở trong khó khăn của người Việt”

Xin lưu ý, công nghệ không phải là thế mạnh để khẳng định sự khác biệt và giúp startup phát triển mạnh mẽ nữa rồi. Ý tưởng thì cũng đã bão hoà từ mấy năm trước. Giờ đây, năng lực vận hành và chiến lược thông minh mới là điểm có thể giúp được startup Việt. Tôi tin, người Việt sẽ biết cách làm tốt và sẽ “tự nhiên đặc biệt thông minh” khi bị dồn vào thế trận khó khăn. Thêm nữa, khi cần, các founder cũng hãy sẵn sàng kích hoạt survival mode cho startup của mình nhé.

2. Vận dụng sức của các doanh nghiệp lớn

Phải đứng trên vai người khổng lồ thôi. Các doanh nghiệp “ngàn tỉ” ở Việt Nam ngày càng đông đảo (hãy bỏ qua lý do/hành trình họ đạt được vị trí đó). Các thế mạnh rất đặc trưng của họ là: thị trường sẵn có, mối quan hệ chất lượng để dẫn tới các nguồn lực cần thiết cho startup, kinh nghiệm kinh doanh thực chiến ... Để tiếp cận những mối quan hệ đặc biệt này, điều đặc biệt là cần startup có tầm nhìn đủ lớn và thực tế, có founder phải đặc biệt và nổi bật. Cũng lưu ý, các doanh nghiệp “chú/bác ngàn tỉ” này họ cũng cần sức trẻ và sự đột phá của startup. Họ cũng có mưu cầu tồn tại và đổi mới trong giai đoạn phát triển mới. Nên việc đầu tư bền vững và hoàn thiện hệ sinh thái hiện tại của họ là một nhiệm vụ họ đang phải làm và/hoặc tìm người làm thay họ.

3.  Kỹ năng quản trị của founder cần được nâng cấp

Ranh giới startup và SME ngày càng khó phân biệt. Hơn hết, startup cũng là kinh doanh. Kinh doanh chắc chắn cần quản trị tốt.

Ngày xưa, startup chỉ cần có ý tưởng tốt, tìm được đội ngũ ổn và nhà đầu tư chịu chi là chạy tốt. Nay các founder phải đối mặt thực sự với vấn đề quản trị kinh doanh thực chiến, vốn không phải là thế mạnh của các founder kỹ thuật. Mặc dù các founder có giải pháp là “đẩy” việc vận hành startup cho COO, tuy nhiên, không phải startup nào cũng có COO xịn xò mà lương thưởng vừa tầm với giai đoạn sớm. Nên founder lại phải là người biết cách quản trị con người, xây dựng hệ thống vận hành và kinh doanh của công ty nhất là quản trị tài chính. Mentor sinh là để giải quyết nhu cầu này của các founder.

4. Các việc khác:

Founder cần chuyên nghiệp hơn. Trở thành một người kinh doanh (doanh nhân) thành thạo thay vì là chàng kỹ sư điệu nghệ. Xác định số phần trăm SME tồn tại trong cơ thể startup mình là có thật. Để từ đó, có lời giải cho bài toán: tồn tại trước khi đột phá/scale up. Với những anh em đang ôm ấp “mô hình kinh doanh đột phá – big dream”, nếu thấy thị trường đã sẵn sàng, làm tới đi nhé. Không tự tin thì chuyển hướng làm mô hình khác nhẹ hơn. Thời vận của một mô hình kinh doanh chỉ khoảng 1-2 năm, nếu không làm sẽ thành lỗi thời ngay.

Từ khóa: 

Thông tin khác

Bình luận