Covid-19: Kinh doanh trong trạng "thái bình thường mới" | 2635

Bạn đang ở đây

Covid-19: Kinh doanh trong trạng "thái bình thường mới"

03/08/20 Lượt xem: 46

Kể từ lúc đại dịch Covid -19 khởi nguồn vào cuối năm 2019, cho đến nay sau 7 tháng chúng ta biết chắc chắn 2 điều:

  • Covid -19 sẽ tiếp tục hoành hoành trong một thời gian dài nữa cho dù vắc-xin ngừa Covid xuất hiện vào cuối năm 2020 hay không.
  • Cuộc sống của chúng ta đã và sẽ thay đổi rất nhiều. Trạng thái bình thường mới sẽ trở thành nếp sống mới của chúng ta.

Covid sẽ kéo dài nhưng cuộc sống vẫn sẽ phải tiếp diễn và phát triển. Không ai biết tương lai sẽ như thế nào nhưng chúng ta cần chuẩn bị cho nó. Các doanh nghiệp phải làm gì để thích ứng, bắt nhịp và phát triển trong trạng thái bình thường mới? 

Xem thêm: Hướng dẫn doanh nghiệp chuyển dịch môi trường làm việc số khi có dịch

Có 4 việc mà các doanh nghiệp phải làm ngay:

  1. Thấu hiểu rõ ràng bối cảnh hiện tại
  2. Đánh giá khả năng thích ứng và sẵn sàng của mình trong trạng thái bình thường mới.
  3. Nắm bắt cơ hội phát triển trong ngắn hạn
  4. Định hướng phát triển trong trung và dài hạn.

Trạng thái bình thường mới là gì ?
Chúng ta nghe nói rất nhiều về trạng thái bình thường mới nhưng không có bao nhiêu người thật sự hiểu rõ nó là gì và ảnh hưởng của nó đến cuộc sống của chúng ta như thế nào?


Theo Wikipedia thì “trạng thái bình thường mới” đươc hiểu như một trạng thái ổn định sau khủng hoảng của một xã hội hay nền kinh tế… Trạng thái này khác với trạng thái trước khi xảy ra khủng hoảng. Thuật ngữ này được sử dụng nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008 kéo theo hậu quả suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2012.

Trong đại dịch COVID-19, thuật ngữ “trạng thái bình thường” được sử dụng phổ biến để chỉ những thay đổi hành vi của con người trong hoặc sau đại dịch này. 

Vậy hành vi của con người thay đổi như thế nào trong trạng thái bình thường mới?

Sau đây là 10 xu hướng thay đổi:

1. Con người trở nên lo lắng nhiều hơn, cô đơn và trầm cảm hơn. Điều này xuất phát từ việc đối diện với 1 tương lai bất định, cảm thấy bị cô đơn, thu nhập giảm sút, mất việc, đối mặt với ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng xấu các mối quan hệ v.v Điều đáng nói là những chúng xảy ra cùng một lúc nên tác động càng trầm trọng hơn.

2. Giảm sút niềm tin vào an toàn vệ sinh của người và sản phẩm. Do tính lây nhiễm chéo, nhanh và rộng của vi rút Covid 19 nên chúng ta trở nên cẩn trọng hơn nhiều khi tiếp xúc với người khác. Chúng ta muốn có những bằng chứng về tình trạng sức khỏe, tình trạng y tế của người tiếp xúc. Tại Trung Quốc, dịch vụ giao thức ăn thậm chí còn hiển thị nhiệt độ cơ thể theo thời gian thực của những người giao thức ăn.

3. Gia tăng hạn chế đi lại. Du lịch là một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Rủi ro lây nhiễm, rủi ro bị cách ly, rủi ro bị có thể bị kẹt ở một nơi xa lạ do dịch bệnh bùng phát khiến cho chúng ta cẩn trọng hơn khi quyết định đi xa.

4. Làm việc tại nhà trở nên thông dụng hơn. Ngôi nhà mang một ý nghĩa mới vì chúng đã trở thành một nơi làm việc thường xuyên. Chúng ta phải cân bằng nhu cầu sống và làm việc trong một không gian hạn chế.

5. Căng thẳng & xung đột gia tăng ở nhiều cấp độ. Nhiều tổ chức và người chuyển sang chế độ sinh tồn. Các cam kết, hợp đồng bị vi phạm, thậm chí bị phá vỡ.

6. Thất nghiệp tăng cao. Theo Tổng Cục Thống Kê, cho đến quý 2-2020 có hơn 30 triệu việc làm bị ảnh hưởng. 2.4 triệu lao động mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm qua. Theo ước tính của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) trong 2 quý năm 2020, có 135 triệu việc làm bị mất. Thành phần lao động trẻ, lao động gần đến tuổi hưu, tay nghề thấp, lao động phổ thông bị ảnh hưởng nặng nề nhất.Điều này buộc nhiều người phải cân nhắc lại sự nghiệp của mình. Tình trạng nhảy việc giảm và sẽ xuất hiện thêm những người kinh doanh mới do thất nghiệp.

7. Kỳ vọng dịch vụ giao nhận mọi thứ đến tận nhà. Chúng ta kỳ vọng rằng từ nay sẽ có thể mua sắm hầu hết mọi thứ tại nhà và chúng sẽ được giao đến tận nhà.

8. Giảm tiếp xúc trực tiếp và tụ tập. Cho đến khi vắc xin ngừa Covid được sử dụng rộng rãi thì các tiếp xúc trực tiếp và tụ tập sẽ bị hạn chế đến mức tối đa.

9. Ý thức những gía trị khác ngoài tiền và công việc. Đối với nhiều người, tiền, công việc và vị trí xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của họ. Khi hiểu rằng con vi rút Covid không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nguồn gốc, vị thế của mỗi cá nhân thì chúng ta chấp nhận tháo gỡ các mặt nạ ấy. Nhiều người đã trở nên ý thức hơn về những giá trị khác trong cuộc sống.

10. Chứng nhận an toàn và miễn dịch đóng vai trò quan trọng. Do lo sợ lây nhiễm và niềm tin giảm sút nên các hoạt động chứng tỏ an toàn và miễn dịch sẽ được đặt ở vị trí ưu tiên nhất.
Rõ ràng là dịch Covid 19 đã thay đổi cách chúng ta sinh hoạt, ăn uống, làm việc, mua sắm, chăm lo sức khỏe, giao tiếp xã hội và giải trí - với tốc độ nhanh chưa từng thấy.

Câu hỏi đặt ra cho các doanh nghiệp là với 10 xu hướng như trên, doanh nghiệp có thể nhìn ra “trong nguy có cơ” như thế nào?

Có 1 điều chắc chắn nữa là hiện nay đang có một nền kinh tế mới dần dần được định hình bởi những thói quen và quy định mới như giãn cách xã hội, cẩn trọng về vệ sinh, hạn chế đi lại, hạn chế tiếp xúc. Đó được gọi là “nền kinh tế ít chạm” (Low touch economy).

Chia sẻ từ Lâm Bình Bảo - Quản trị và Khởi nghiệp

Thông tin khác

Bình luận